|
Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương vận hành trôi chảy hơn khi áp dụng Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Ảnh minh họa: HT
|
Theo kế hoạch, ngày 25-4 tới, 10 tỉnh, thành được chọn sẽ tổ chức triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Cùng với đó, chủ trương lớn của Đảng là thí điểm nhất thể hóa Bí thư Cấp ủy địa phương làm Chủ tịch UBND cũng sẽ được lồng ghép với việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nói trên. Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, việc thí điểm nhất thể hóa này sẽ được thực hiện tại 20%-30% số đơn vị quận, huyện, phường nơi thí điểm không tổ chức HĐND. Với những xã, thị trấn vẫn còn HĐND thì các tỉnh, thành lựa chọn và chỉ đạo thí điểm nhất thể hóa Bí thư - Chủ tịch tại 2%-3% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn.
Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng - Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà (ảnh) xung quanh chủ trương lớn này.
Hành chính trôi chảy hơn
Thưa ông, lâu nay Bí thư thường được cơ cấu để làm Chủ tịch HĐND. Tại sao có sự điều chỉnh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND này?
+ Nghị quyết Trung ương 5 về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đề ra chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Đến Nghị quyết Trung ương 6 có chủ trương từng bước nhất thể hóa cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Lý do chính, cơ sở không phải là cấp đề ra chủ trương, chính sách, mà chủ yếu vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mà như vậy, Bí thư Cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND sẽ thuận lợi hơn trong chỉ đạo, điều hành.
. Việc thí điểm nhất thể hóa hứa hẹn những đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Vấn đề là tại sao không thể triển khai sớm hơn, thưa ông?
+ Cùng với Đề án thí điểm này, Trung ương cũng có chủ trương thí điểm một số loại hình khác, chẳng hạn chọn một vài tỉnh thí điểm Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh; thí điểm Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ nhập làm một với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy và thí điểm nhập Thanh tra Nhà nước với Kiểm tra của Đảng.
Đây là những thử nghiệm rất lớn, đều chưa được quy định trong Điều lệ Đảng, Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy. Hơn nữa, nhận thức là quá trình. Đổi mới hệ thống chính trị luôn phải gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và dân trí. Vì vậy phải thí điểm, rồi tổng kết, từ đó mới bổ sung, sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Tránh độc đoán, gia trưởng
. Bí thư Cấp ủy chuyên trách hoặc Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thì giám sát hoạt động của bên hành pháp có thể sẽ mạnh hơn. Nay Bí thư lại làm Chủ tịch UBND, nhiều ý kiến lo ngại là khó kiểm soát quyền lực...
+ Mục đích của nhất thể hóa Bí thư - Chủ tịch UBND là để cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương vận hành trôi chảy, thông suốt hơn, đồng thời đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng với cơ quan, chính quyền. Đúng là nếu đồng chí đó một vai hai trọng trách mà tính đảng lại không cao thì rất dễ dẫn đến độc đoán, gia trưởng. Vì vậy phải có cơ chế để giám sát, kiểm soát quyền lực. Cấp ủy, UBND và HĐND phải xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc. Phải xác định rõ mối quan hệ giữa Cấp ủy với Thường vụ; phân định được lúc nào anh đứng vai Chủ tịch, lúc nào vai Bí thư; việc gì Bí thư kiêm Chủ tịch được tự quyết định, việc gì phải báo cáo Thường vụ, báo cáo Cấp ủy. Ngoài ra, Cấp ủy, UBND, HĐND cấp trên cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra những nơi thí điểm nhất thể hóa, phòng ngừa tiêu cực phát sinh khi quyền lực tập trung vào một người.
. Đấy mới là giám sát trong nội bộ Đảng, chính quyền. Còn giám sát của nhân dân thì sao khi không còn cơ quan đại diện dân cử nữa, thưa ông?
+ Có rất nhiều hình thức giám sát mà HĐND chỉ là một kênh. Có Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn rồi, dựa vào đó người dân có thể giám sát hoạt động của chính quyền. Ngoài ra, người dân còn có thể thông qua các cơ quan, đoàn thể để giám sát như MTTQ, các Hội cựu chiến binh, nông dân, thanh niên, phụ nữ...
Chọn nhân sự có năng lực
. Trong đợt thí điểm này sẽ có những địa phương vẫn tiếp tục cơ chế HĐND bầu Chủ tịch UBND. Nếu HĐND không tín nhiệm bầu ông Bí thư mà Đảng giới thiệu làm Chủ tịch thì sao?
+ Tôi cho là vẫn phải tuân thủ pháp luật. Lá phiếu của các đại biểu HĐND là quyết định cuối cùng. Thực tế, nếu công tác chuẩn bị nhân sự của Cấp ủy được tiến hành kỹ lưỡng, thật sự dân chủ, khách quan thì chắc chắn ứng viên được Cấp ủy giới thiệu, tiến cử sẽ được HĐND tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch UBND thôi.
. Bí thư làm Chủ tịch UBND sẽ vất vả hơn rất nhiều so với làm Chủ tịch HĐND. Liệu việc thí điểm này có quá sức trong mặt bằng chung là trình độ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế?
+ Ban Tổ chức Trung ương đã hướng dẫn kỹ vấn đề này. Quan trọng nhất là phải chọn được nhân sự có năng lực, kinh nghiệm và được tín nhiệm cả trong Cấp ủy đảng và nhân dân địa phương. Đồng chí đó nên từng trải qua các cương vị tương đương với chức vụ Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban. Chẳng hạn, đang là Bí thư nhưng trước đó đã kinh qua nhiệm vụ Chủ tịch UBND hoặc ngược lại.
Ngoài ra, Cấp ủy địa phương khi chuẩn bị nhân sự cho thí điểm cũng nên chọn những đồng chí “cứng” về công tác Đảng để phân công làm Phó bí thư Thường trực và “cứng” về công tác chính quyền để tiến cử làm Phó chủ tịch Thường trực UBND. Như vậy sẽ đỡ nhiều cho anh Bí thư - Chủ tịch.