|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 2/2014. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
|
Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2014, các thành viên Chính phủ nhận định, trong hai tháng đầu năm , các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng chiếm lĩnh thị trường; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giá, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm đều tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng cao, có xuất siêu; sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; công tác cung ứng nguồn nước tưới tiêu được bảo đảm, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vốn ODA và FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ phát triển khá, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh; hoạt động du lịch, du Xuân diễn ra sôi nổi; công tác tổ chức lễ hội được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được chú trọng tăng cường… bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết, vui Xuân đầm ấm, vui tươi, an toàn.
Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, nhiều thành viên Chính phủ kiến nghị tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các Bộ, ngành hữu quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khai thông, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu đối với các sảm phẩm nông sản, nhất là đối với lúa gạo. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành chức năng, các địa phương tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, kiểm dịch; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, hạn chế tối đa tình trạng thâm nhập, lây lan dịch bệnh qua biên giới, đặc biệt ở biên giới phía Bắc; kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thực phẩm là thịt gia cầm khi được tiêu thụ trên thị trường.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đề nghị các Bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp tốt trong thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ; đồng thời kiến nghị Chính phủ dành một khoản tín dụng nhất định hỗ trợ cho chương trình thí điểm phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là dành khoản tín dụng phục vụ cho ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phục vụ cho tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và một số thành viên Chính phủ đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn nữa cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình bình ổn giá cũng như tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm, xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng thiết yếu cho công nhân ở các khu công nghiệp...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải lưu ý cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi thành lập mới; tập trung tháo gỡ những vướng mắc của các dự án BOT. Đồng thời, quan tâm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo; các Bộ, ngành sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết liệt hơn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình cho vay thoát nghèo; các bộ ngành chú ý chuẩn bị tốt, bảo đảm lộ trình thời gian đối với các đề án trình Bộ Chính trị và Trung ương theo phân công; ...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy phát triển sản xuất song phải gắn với thị trường tiêu thụ; nắm bắt, dự báo thị trường; đề nghị cần đặc biệt quan tâm điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nông nghiệp cho phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất cần tiếp tục dành ưu tiên tín dụng, hướng mạnh tín dụng vào khu vực nông nghiệp nông thôn; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quan tâm đổi mới giáo dục-đào tạo theo lộ trình; các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở gia cầm...
Trước ý kiến của lãnh đạo các Bộ về các phương án liên quan đối với cầu Long Biên đang được dư luận xã hội quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là cây cầu mang ý nghĩa lịch sử, vì vậy cây cầu cần được giữ nguyên hiện trạng, trên cơ sở đó duy tu, bảo dưỡng, phục hồi để sử dụng theo đúng công năng hiện hữu của cây cầu. Việc xây dựng cây cầu mới cần tiếp tục được bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng để xây dựng các phương án khả thi.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về mức độ nguy hại của dịch cúm gia cầm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về dịch, có các giải giải pháp phòng, chống hiệu quả. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm mở rộng, thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo. Đề nghị các cơ quan hữu quan kiểm soát tốt thị trường sữa, tránh tình trạng một số hãng sữa móc nối, bắt tay làm ăn, đẩy giá sữa lên cao để trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng; giám sát chất lượng khám chữa bệnh ngoài công lập; phối hợp với MTTQ trong đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư...
Ngoài ra, ý kiến của một số thành viên Chính phủ cũng đề xuất cần triển khai hiệu quả các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia nhất là về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 2 tháng đầu năm, bằng sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình trên các lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều tiến bộ. Đây là điều kiện, tiền đề để đất nước ta tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng nhiệm vụ của năm 2014 còn rất nặng nề; khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn; hạn chế, yếu kém của nền kinh tế còn nhiều,... khẳng định những kết quả đạt được, song chúng ta không được chủ quan, lơ là trước nhiệm vụ đề ra - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ, cho biết Nghị quyết 01 chính là sự tiếp thu, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội thành các nội dung công tác cụ thể trong hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần quan tâm giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA... đi liền với kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện các cự án. Cùng với đó, các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa nhanh vốn tín dụng vào nền kinh tế, khơi thông luồng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất chương trình hỗ trợ tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo đề xuất của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên họp này. Đồng thời, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững sự ổn định về tỷ giá; xem xét điều chỉnh hạ lãi suất, đảm bảo lãi suất cho vay phù hợp, hỗ trợ tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục quan tâm xử lý hiệu quả nợ xấu, sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo sớm ban hành hành và thực hiện hiệu quả chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, đồng thời nhân rộng mô hình bình ổn giá đang được triển khai thực hiện hiệu quả ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu lý các Bộ, ngành và địa phương cần quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được duyệt, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hoá, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp Nhà nước; dứt khoát phải tạo được chuyển biến trong tái cơ cấu doanh nghiệp trong năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc. Tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi. Tiếp tục thực hiện các giải pháp chống quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối cũng như chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt các kỳ thi các cấp sắp tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương quán triệt và triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, chủ động chấn áp các loại hình tội phạm; cùng với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền trong sạch vững mạnh... Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc tại các cơ quan công quyền; chú ý đến công tác xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; không để nợ, để chậm việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác thông tin cho báo chí, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2014.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề xuất các giải pháp tăng cường thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2014-2015; Xử lý nợ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)./.