Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ
Chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết các nhóm vấn đề chất vấn gồm: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ tham gia giải trình thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Báo cáo nhanh trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã kết hợp với tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ đặt ra. Đặc biệt tại Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã đề ra quan điểm, chủ trương, định hướng về lộ trình, bước đi, tổ chức thực hiện cụ thể.
Sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy nhiều bộ, ngành, địa phương đã tinh gọn và hạn chế chồng chéo, giao thoa. Bước đầu giảm được 4 Tổng cục, 11 Vụ thuộc Bộ, 9 đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương. Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giảm nhiều như tại Cao Bằng giảm 3 huyện và 38 xã; Thanh Hóa giảm 76 đơn vị cấp xã; Hòa Bình giảm 59 xã; Phú Thọ giảm 52 xã;…Tinh giản biên chế đạt kết quả khả quan. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu trước Quốc hội
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Nội vụ đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cụ thể hóa các Nghị quyết, sửa đổi, bổ sung 05 luật, 26 nghị định, 20 thông tư và 8 đề án đề thực hiện. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai thực hiện mới đạt được kết quả bước đầu và chưa đạt được các mục tiêu mà các Nghị quyết đề ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng bởi cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, tổ chức thực hiện và vận động nhân dân tạo sự đồng thuận. Thời gian qua đảng và nhà nước ban hành nhiều nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ, từng bước khắc phục dần những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ, kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa vào cuộc sống.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ, Bộ Nội vụ sẽ lắng nghe và tiếp thu tối đa các ý kiến chất vấn, thảo luận của đại biểu Quốc hội nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và địa phương. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân bảy tỏ mong muốn có được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương đồng hành cùng Bộ Nội vụ để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi của Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã chất vấn các vấn đề: Bảo đảm biên chế y tế, giáo dục theo xu hướng tiến bộ trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, nhất là biên chế giáo viên ở khu vực dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập; quan điểm của Bộ về việc sáp nhập 3 văn phòng cấp tỉnh; minh bạch việc thi nâng ngạch công chức, viên chức; có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi nâng ngạch hay không? giải pháp then chốt giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư khi tinh giản biên chế; giải pháp ngăn chặn, xử lý cán bộ, công chức tham nhũng vặt; giải quyết, xử lý chức danh hàm ở một số cơ quan Trung ương; xử lý bất cập trong việc tổ chức thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; xử lý vướng mắc trong luân chuyển cán bộ;...
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, phản ánh xu thế hiện đại là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít hay một cán bộ y tế chăm sóc số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng phục vụ, dịch vụ ngày càng nâng lên. Trong khi đó nước ta thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp nhất là ở ngành giáo dục, y tế. Đại biểu đặt câu hỏi, điều này ảnh hướng như thế nào trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng nêu vấn đề, chủ trương thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay còn nhiều bất cập như quyền tự quyết của các đơn vị tự chủ, quyền tuyển dụng lao động, quyết định vấn đề lương hay sử dụng các tài nguyên của đơn vị là tài sản công, liên kết với các đơn vị khác…Các bất cập này của các địa phương, đơn vị nhiều lần đề cập tuy nhiên đến nay chưa được khắc phục. Nhấn mạnh, đây là điểm nghẽn lớn trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện tượng thiếu giáo viên có nguyên nhân từ quy định về định mức học sinh trên lớp, giáo viên trên lớp chưa có sự phân biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn, miền núi với đồng bằng, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, đối với khu vực Tây Nguyên và thành phố lớn còn do nguyên nhân từ sự di dân và việc dịch chuyển lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ Giáo dục tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, cho biết, hiện nay việc xét tuyển, thi nâng ngạnh công chức, viên chức chưa rõ ràng minh bạch, tồn tại nhiều bất cập, yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ còn mang tính hình thức, không thực chất. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ tình hình và giải pháp để khắc phục tính hình thức này.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp then chốt giải quyết tốt chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau tinh giản nhằm bảo đảm sự đồng thuận trong xã hội; cũng như để quá trình trình tinh giản không loại nhầm người giỏi, có trình độ chuyên môn.
Đại biểu Phùng Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Đại biểu Phùng Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, phản ánh ý kiến cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cho rằng việc thực hiện thí điểm sáp nhập 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng chung là không phù hợp về cả lý luận và thực tiễn, làm giảm vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin phản ảnh về các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân./.
Nguồn: quochoi.vn