Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua. Xin Bộ trưởng cho biết về mục đích và ý nghĩa của Luật?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Như quý vị đã biết, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời là một trong những Luật đầu tiên được ban hành trong năm 2016 cụ thể hoá quyền con người theo Hiến pháp năm 2013.
Việc ban hành Luật có mục đích và ý nghĩa như sau:
Một là, thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người;
Hai là, khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
Ba là, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cải cách hành chính đối với lĩnh vực này;
Bốn là, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước;
Năm là, góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống Đảng và Nhà nước. Thể hiện trách nhiệm quốc gia đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết khái quát về quá trình xây dựng và những nội dung chính của Luật tín ngưỡng, tôn giáo?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân:
Thứ nhất, về quá trình xây dựng Luật:
Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết số 780/NQ-UBTVQH13 ngày 25/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015 của Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngày 25 tháng 9 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 982/QĐ-BNV về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong năm 2015, Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với các các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chức sắc tôn giáo và các tổ chức tôn giáo để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật bằng nhiều hình thức như: Hội thảo, lấy ý kiến bằng văn bản và xin ý kiến rộng rãi của cá nhân, tổ chức và nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và Trang Thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ (cơ quan thường trực Ban soạn thảo xây dựng Luật). Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến góp ý với tinh thần hết sức cầu thị và nghiêm túc.
- Ngày 16/9/2015, Chính phủ đã có Tờ trình số 431/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, kèm theo dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Ngày 09/10/2015, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN) của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra số 1720/BC- UBVHGDTTN13.
- Ngày 13/11/2015, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ và ngày 20/11/2015, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
- Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTTN của Quốc hội và Báo cáo tổng hợp của Đoàn thư ký kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và hội trường, Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thảo luận, nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội khóa XIII vào dự án Luật, xây dựng và hoàn thiện dự án Luật, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ngày 18/11/2016, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua với kết quả 84,58% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.
Thứ hai, về các nội dung của Luật:
Luật có 09 chương, 08 mục và 68 điều, quy định các nội dung sau:
Chương 1: Những quy định chung
Chương 2: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Chương 3: Hoạt động tín ngưỡng
Chương 4: Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo
Chương 5: Tổ chức tôn giáo
Chương 6: Hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo
Chương 7: Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo
Chương 8: Quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
Chương 9: Điều khoản thi hành
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết một số điểm mới của Luật tín ngưỡng, tôn giáo?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới, một số điểm mới cơ bản có thể kể như sau:
Một là, mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “ mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Hai là, bổ sung 01 (một) chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Ba là, đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, nếu như trước đây đăng ký sinh hoạt tôn giáo được xem là một mốc khởi điểm để bắt đầu hình thành một tổ chức tôn giáo thì nay Luật chỉ xem sinh hoạt tôn giáo tập trung nhằm thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của mọi người; sinh hoạt tôn giáo tập trung không được xem là mốc khởi điểm để tiến tới được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận về tổ chức.
Bốn là, một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo; tiếp nhận thông báo giải thể trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo đã được thay đổi theo hướng giao cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả lời các tổ chức tôn giáo. Việc thay đổi này sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi hơn cho hoạt động tôn giáo.
Năm là, bỏ một số từ ngữ đã được sử dụng tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 như tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn, dòng tu. Bổ sung từ ngữ tổ chức tôn giáo trực thuộc và xem tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn, dòng tu là tổ chức tôn giáo trực thuộc, điều chỉnh như tổ chức tôn giáo trực thuộc. Bên cạnh đó mở rộng phạm vi điều chỉnh của tổ chức tôn giáo trực thuộc còn có cả các ban, ngành, viện từ trung ương đến cơ sở của tổ chức tôn giáo.
Sáu là, vấn đề tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo. Đây là một nội dung mới, quan trọng của Luật nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức tôn giáo, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Quy định này phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo.
Bảy là, tách nội dung phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc thành hai nội dung: phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc và bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.
Tám là, về cơ sở đào tạo tôn giáo, bổ sung làm mới các quy định liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo bao gồm từ điều kiện thành lập, thẩm quyền chấp thuận đến các nội dung liên quan đến hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo.
Chín là, bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Mười là, đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo được thay đổi theo hướng chỉ đăng ký, thông báo lần đầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những nội dung không có trong văn bản đăng ký hoặc thông báo sẽ đăng ký, thông báo bổ sung.
Mười một là, bổ sung theo hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị..., được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam; được mời chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giảng đạo.
Mười hai là, một số nội dung hoạt động chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thông báo lễ hội định kỳ; thông báo về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo; thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; thông báo hội nghị thường niên,…, Đây cũng là quy định phù hợp với xu hướng hiện nay nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Mười ba là, phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Luật cũng có các quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng, về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ triển khai thực hiện Luật này như thế nào?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Thực hiện quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, để tổ chức thực hiện Luật, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành các công việc sau:
Thứ nhất, tham mưu cho Chính phủ xây dựng 02 Nghị định quy định các nội dung Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Dự kiến phấn đấu hoàn thành xây dựng 02 Nghị định nêu trên trong năm 2017 và trình Chính phủ ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với Luật tín ngưỡng, tôn giáo từ ngày 01/01/2018.
Thứ hai, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có các nội dung:
- Phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung của Luật tới cán bộ, công chức, nhân dân, các cấp, các ngành, các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là một số điểm mới của Luật;
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị điều kiện đảm bảo thi hành Luật như: kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ sung nhân sự làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với nhiệm vụ mà Luật quy định, đề nghị bố trí kinh phí và các điều kiện về cơ sở, vật chất phục vụ cho việc thực hiện Luật;
- Tổ chức rà soát, thống kê các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp với Văn phòng Chính phủ đăng tải Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên Cổng thông tin điện tử về Cải cách hành chính của Chính phủ và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ để mọi tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.