BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

04/02/2023 14:14

Chiều ngày 03/02, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp.

Cùng tham dự Phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính.

Năm 2023, tiếp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ được ban hành đầu tháng 01 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 chỉ đạo, đôn đốc thúc đẩy công việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm. Trước tình hình nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi, do đó phải bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 3 đột phá chiến lược để thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ là "Đoàn kết kỷ cương - Bản lĩnh linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời hiệu quả".

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, năm 2022 và một tháng đầu của năm 2023, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính. Thời gian phiên họp có hạn, nội dung nhiều, yêu cầu cao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, trọng điểm, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, có sản phẩm với hiệu quả cụ thể, đo lường được.

Từ đó, tạo thuận lợi nhất, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trình bày Báo cáo tại Phiên họp

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại Phiên họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, trong năm 2022, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số. Cụ thể:

Thứ nhất, về cải cách thể chế, trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 12 dự án luật; 06 nghị quyết. Các bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định. Năm 2022, cả nước đã tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; phát miễn phí hơn 62 triệu bản tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.

Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính, tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Năm 2022 đã cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, gồm: 488 thủ tục hành chính, 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 46 yêu cầu, điều kiện; 21 chế độ báo cáo và 478 sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành. 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, đã yêu cầu các Bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 thủ tục hành chính/nhóm thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước.

Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%) thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Về hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, đến nay, đã có 53/63 địa phương thực hiện thống nhất 02 hệ thống này. 

Theo dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến ngày 23/12/2022, tại các địa phương, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử chỉ đạt khoảng 10,25%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt khoảng 35,56%.

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn tại các bộ, ngành là 99,96%; tại địa phương, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại cấp tỉnh là 99,33%; cấp huyện là 98,27% và cấp xã là 99,56%.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức đối với 12 đơn vị bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; theo thống kê, đến nay đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu được giao tại Đề án.

Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 24 Bộ, cơ quan. Kết quả sau sắp xếp: Giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 08 cục (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 145 Vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 17/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. 

Tại địa phương, năm 2022, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về biên chế, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022 - 2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022 - 2026, trong đó, năm học 2022 - 2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương nghiêm túc giao biên chế công chức, viên chức và tuyển dụng viên chức giáo dục bảo đảm kịp thời cho năm học mới.

Tinh giản biên chế, đến nay cả nước giảm 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021) trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.

Việc giải quyết nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính từ năm 2019 đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp là 706 người, đã giải quyết được 361 người, đạt 51,10. Cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 9.705 người, đã giải quyết được 6.657 người, đạt 68,60%. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 8.448 người, đã giải quyết được 7.956 người đạt 94,20%.

Phiên họp được kết nối trực tuyến với các địa phương

Thứ tư, về cải cách chế độ công vụ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đã ban hành 03 nghị định trong lĩnh vực công vụ, công chức; đang xem xét 03 dự thảo Nghị định.

Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực: Bộ Nội vụ đã tham gia phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thiện 18 dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức; 13 Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.

Giai đoạn 2020 - 2022, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Bên cạnh đó, đã rà soát, xử lý dứt điểm các sai phạm trong công tác tuyển dụng, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp. 

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động. Theo đó, Hệ thống cơ sở dữ liệu dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngày 14/9/2022, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.800.000 (tăng 20.8%).

Thứ năm, về cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05/9/2022 về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Công tác quản lý tài sản công: Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm “Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công”. 

Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước: (Kế hoạch vốn giao năm 2022 và kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022): ước đến 31/12/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt 66,96% kế hoạch.

Thứ sáu, về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay, 100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 63/63 địa phương đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 46/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp cơ sở; tổng số Tổ công nghệ số cộng đồng cả nước đạt 68.933 tổ, thu hút hơn 320 nghìn thành viên tham gia.

Đã có 22/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Đã có 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0.

Đến nay, đã có 15 Bộ, cơ quan và 63 địa phương kết nối, liên thông Hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp, nhập dữ liệu trực tiếp.

Từ khi khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến nay đã phục vụ 64 phiên họp, xử lý 1.427 phiếu lấy ý kiến, thay thế gần 501 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy.

Tính đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 4.419 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; có khoảng 3,9 triệu tài khoản đăng ký trên Cổng; hơn 156 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 1,7 lần so vời cùng kỳ năm ngoái); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến và hơn 7,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). 

Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đạt 52,80%, tăng 17,50% so với năm 2021.

Nhìn chung, trong năm 2022, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tác động tích cực đến hành động của chính quyền các cấp, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp  luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...
Toàn cảnh Phiên họp


Anh Cao

Tìm kiếm