Ảnh minh họa
Theo đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giảỉ pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trong đó, năm 2020 phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của Ngân hàng thế giới (WB)) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)) - lên 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc (UN)) lên 10 - 15 bậc.
Nghị quyết nêu rõ, 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 gồm: 1- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019; 2- Các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; 3- Tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh; 4- Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh; 5- Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; 6- Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; 7- Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Tiếp tục cải thiện thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanhVới nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, trong đó, về Khởi sự kinh doanh, Bộ Tài chính trong quý I năm 2020 kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30 tháng 01 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 04 ngày theo quy định (trong đó thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn là 02 ngày; thông báo phát hành là 02 ngày); đối với thủ tục mua hóa đơn đảm bảo giải quyết ngay trong ngày; đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường. Hoàn thành và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 năm 2020.
Về Cấp phép xây dựng, các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giám sát và tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải quyết thủ tục hành chính; trước ngày 20/3/2020 báo cáo tình hình và kết quả thực hiện gửi về Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng rà soát lại quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày; nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt; hoàn thành trong quý III năm 2020.
Về Tiếp cận tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.
Bộ Tư pháp trong quý IV năm 2020 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán… theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến...
Về Đăng ký tài sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; hoàn thành trong quý II năm 2020.
Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanhCải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá; hoàn thành trong tháng 01 năm 2020. Với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.
Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh trong các dự thảo Luật, Nghị định bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2020.
Cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngànhTiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: Áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành (Danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/ 5/2018). Trong quý I năm 2020 công bố công khai, đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm.
Trong quý II năm 2020, hoàn thành sắp xếp bộ máy tổ chức ở các bộ liên quan theo hướng đối với mỗi mặt hàng chỉ có một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch,…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm; trình Chính phủ trong quý I năm 2020.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết ngay các vướng mắc kéo dài trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu; chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra (nhất là kiểm tra cảm quan), đảm bảo thực hiện nhất quán, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Thông tư số 285/2016/TT-BTC về cách tính phí, lệ phí trong công tác thú y nhằm giảm chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc áp đặt và gia tăng phí của các hãng tàu và phụ phí của cảng.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặtNhiệm vụ và giải pháp chủ yếu khác của Nghị quyết là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật; trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20/12/2020, tổng hợp kết quả thực hiện 6 tháng và một năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.
Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất biện pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo áp dụng và thực hiện thống nhất. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tất cả các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đến hết năm 2020, 100% trường học trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; khuyến khích các trường học xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để kết nối, chia sẻ thông tin với ngân hàng, thực hiện thu học phí bằng phương thức điện tử.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán nhằm phục vụ chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất,… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm trên địa bàn đô thị đạt ít nhất 30% đến hết năm 2020.
Bộ Công an chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính (mã ID); kết nối, chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp được giao quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu viện phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; phấn đấu đạt mục tiêu đã được xác định tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ là 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính... Theo dõi, đôn đốc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tại các bộ, ngành, địa phương theo các Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành danh mục dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020 và tổ chức triển khai việc tích hợp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; trước ngày 20/12/2020, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện mục tiêu 100% trường học, bệnh viện, công ty bán lẻ điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: baochinhphu.vn