BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009: Dấu ấn của Đề án 30

15/01/2010 10:40

(Chinhphu.vn) – Nhìn chung, chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương đều có những bước tiến, gắn liền với cải cách thủ tục hành chính - Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009 công bố ngày hôm nay (14/1) tại Hà Nội cho biết.

 

Cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng - Ảnh Cổng TTĐT Đà Nẵng

   Đây là năm thứ 5 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, xây dựng và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đóng góp của Đề án 30
 
Năm 2009, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng PCI với số điểm 75,96/100, tiếp đến là Bình Dương, tỉnh đã từng dẫn đầu trong 3 năm. Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc lần lượt nằm trong nhóm xếp hạng “Rất Tốt”, trong khi Cao Bằng ở vị trí thấp nhất với 45,43 điểm.
 
Nhìn tổng thể cả nước, nhóm nghiên cứu PCI đánh giá, trong năm nay, Việt Nam tiếp tục có những bước tiến đáng kể về cải cách TTHC và đây là một trong những nguyên nhân góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương.
 
Cụ thể, việc Chính phủ triển khai thực hiện quyết liệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30) đã khiến chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí gia nhập thị trường giảm đi.
 
Chủ tịch EuroCham, ông Alan Cany đánh giá, Đề án 30 là đề án Cải cách hành chính thuộc loại quy mô nhất trên thế giới, với sự tham gia từ Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương đến cấp huyện, xã, thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ.
 
Chỉ số PCI 2009 là “tập hợp tiếng nói” của 9.890 DN dân doanh đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh.
 
Kết quả cuối cùng là chỉ số tổng hợp xếp hạng 63 tỉnh, thành của Việt Nam dựa trên kết quả công tác điều hành của từng địa phương trong 9 lĩnh vực có vai trò then chốt đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
 
Theo Thống kê của các nhóm nghiên cứu PCI, việc tăng một điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. Cải thiện một điểm trong chỉ số Đào tạo lao động giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.
 
“Với Đề án này, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cải thiện hơn nữa khả năng cạnh tranh của mình trong tương lai”, ông Alan Cany nhận định.
 
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng chỉ số PCI đại diện cho “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp.
 
“Chỉ số này sẽ cung cấp thông tin quan trọng, là công cụ hữu hiệu nhằm thúc đẩy những sáng kiến cải cách của chính quyền Trung ương tới địa phương”, ông Lộc nói. ‘
 
Các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm
 
PCI 2009 cũng chỉ ra rằng các tỉnh Điện Biên, Cà Mau và Long An có bước tiến nhanh nhất về cải cách chất lượng điều hành kinh tế theo kết quả điều tra từ năm 2006 đến nay. Điểm thú vị là, điểm số của các tỉnh này tăng mạnh ở các lĩnh vực khác nhau.
 
Trong khi Điện Biên cải thiện đáng kể trong việc cắt giảm các chi phí không chính thức, nâng cao tính năng động lãnh đạo tỉnh, thúc đẩy chất lượng lao động, thì Cà Mau lại gây ấn tượng với việc giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức.
 
Trong khi đó, các bước tiến của Long An là nhờ cải thiện chỉ số tính minh bạch. Báo cáo cho biết, thí dụ điển hình nhất về cải thiện này là ngay cửa trụ sở của Sở Tài nguyên và Môi trường Long An có đặt một màn hình máy tính, giúp người dân tiếp cận với các kế hoạch sử dụng đất, văn bản pháp luật và tiến độ xử lý các hồ sơ.
 
Đối với lĩnh vực lao động, các địa phương như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã cố gắng xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, xứng đáng nhận được sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp.
 
Bà Nông Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, địa phương giành ngôi “quán quân”, chia sẻ: Đà Nẵng đã áp dụng tốt mô hình liên thông một cửa, cải cách thủ tục: giảm số lượng giấy tờ, giảm thời gian chờ đợi cấp phép, kiên quyết chống lại việc doanh nghiệp phải mất “phí bôi trơn”…, do đó giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường ở địa phương.
 
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tích cực nâng cao chất lượng nguồn lao động (xếp hạng1), cải thiện cơ sở hạ tầng.
 
Bà Nông Thị Ngọc Minh cũng thẳng thắn cho biết tuy dẫn đầu nhưng mức tăng PCI của Đà Nẵng từ 2006 đến nay chỉ là 0,3, chỉ có 3/9 chỉ tiêu đạt 8 điểm trở lên, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát cải thiện hơn nữa PCI của tỉnh.
 
Chỉ số PCI 2009 là “tập hợp tiếng nói” của 9.890 DN dân doanh đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh.
 Kết quả cuối cùng là chỉ số tổng hợp xếp hạng 63 tỉnh, thành của Việt Nam dựa trên kết quả công tác điều hành của từng địa phương trong 9 lĩnh vực có vai trò then chốt đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
 Theo Thống kê của các nhóm nghiên cứu PCI, việc tăng một điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. Cải thiện một điểm trong chỉ số Đào tạo lao động giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.
 
 

 

Theo http://www.chinhphu.vn
Tìm kiếm