Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hằng năm thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tiếp nối thành công đó, trên cơ sở chương trình công tác năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 với mục đích gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầt nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", là nơi các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương báo cáo, trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách để việc triển khai thực hiện các Nghị quyết thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống; tạo kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì, tổ chức vào chiều ngày 14/6/2023; chuỗi 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào sáng ngày 14/6/2023.
Phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn vinh dự được đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự đồng chủ trì và có phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Tại phiên toàn thể tập trung vào 4 báo cáo chính gồm: Dự thảo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Thúc đẩy chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; Chuyển đổi xanh và bản sao số ở châu Âu và Việt Nam: hàm ý chính sách cho quá trình CNH, HĐH của Việt Nam; Tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo: Những thách thức chính và giải pháp.
Trong khuôn khổ phiên toàn thể cấp cao diễn ra Tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào các nhóm nội dung lớn như: Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; sự tham gia của quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về CNH, HĐH, về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư như hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù; các chiến lược, chương trình quốc gia, đề án liên quan về CNH, HĐH…; trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm nhằm xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước.
Cùng với đó, chuỗi 4 phiên Hội thảo chuyên đề tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: "Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam"; "Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045"; "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045" cũng được tổ chức.
Ban Kinh tế Trung ương cho hay, tại Diễn đàn, ngày 14/6 cũng diễn ra Lễ khai mạc triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 và khởi động chuỗi hoạt động triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương khóa XIII.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của Diễn đàn còn có thêm 2 hội thảo, hội nghị bên lề liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng gồm: Hội thảo "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế" ngày 16/5/2021; Hội nghị cấp cao "Dịch vụ tài chính và điện toán đám mây".
Trước đó, ngày 13/6 còn có một hội thảo và khảo sát thực tế tại tỉnh Bắc Ninh với chủ đề "Hiện thực hóa tầm nhìn Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh". Các sự kiện bên lề Diễn đàn nêu trên đã làm phong phú thêm, cụ thể hơn một số nội dung liên quan của Diễn đàn, phù hợp với những yêu cầu đề ra, góp phần vào triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Diễn đàn với các sự kiện bên lề có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, đã được sự quan tâm đông đảo của khoảng 2.000 lượt đại biểu tham dự, trong đó có rất nhiều đại biểu quốc tế và đại biểu của các doanh nghiệp, đây là những thành phần ít có cơ hội để tiếp cận trực tếp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Trên cơ sở kết quả Diễn đàn Công nghiệp 4.0 lần này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc để phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực Nghị quyết số 29-NQ/TW, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nguồn: baochinhphu.vn