Sáng 19.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ.
Các ĐBQH cơ bản tán thành với mục đích, yêu cầu, các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia hiện hành; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế. Việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐB Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương), ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái), ĐB Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp), ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang)... tán thành với quy định của dự thảo Luật là quản lý thống nhất ở cấp quốc gia, có một phông chung là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, trong đó có thể tách ra hai bộ phận là phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam như Pháp lệnh hiện hành. ĐB Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, giữ ổn định về hệ thống tổ chức lưu trữ để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho hoạt động của Đảng cũng như hoạt động lưu trữ phông Nhà nước nói riêng. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đặt câu hỏi, có nên thống nhất hai hệ thống lưu trữ này thành một hay không? Vì trên thực tế, từ khi hình thành cho đến nay, hai hệ thống lưu trữ của Đảng và lưu trữ Nhà nước đã và đang tồn tại độc lập, ổn định, phát huy hiệu quả. Sự ghép gộp hai phông lưu trữ thành phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam tạo ra sự không thống nhất trong các quy định của dự thảo Luật về lưu trữ lịch sử. Đề nghị xem xét lại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng Luật này quy định về tổ chức, hoạt động của lưu trữ Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động lưu trữ Nhà nước và tài liệu phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Trái với các ý kiến trên, ĐB Nguyễn Viết Lểnh (Bình Định), ĐB Quách Cao Yềm (Kon Tum) cho rằng, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản quý báu của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, tài liệu lưu trữ còn phân tán và việc tồn tại hai cơ quan cùng thực hiện chức năng quản lý về lữu trữ trong thời gian qua tạo nên những bất cập nhất định trong chỉ đạo nghiệp vụ lưu trữ, xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu trữ; làm hạn chế việc khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tài liệu phục vụ nhu cầu của xã hội. Cần thống nhất phông lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam để vừa thống nhất quản lý Nhà nước, vừa tận dụng phát huy được các điều kiện và phương tiện đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thu thập bảo quản và khai thác tư liệu. Xây dựng một cơ chế quản lý thống nhất, bao gồm từ quy chế lập hồ sơ, nộp hồ sơ, chỉnh lý, xác định giá trị, giải mật, bảo quản, thống kê cần ban hành những chuẩn chung.
Về vấn đề xã hội hóa, ĐB Lê Quang Huy (Bạc Liêu) cho rằng, công tác lưu trữ ngoài chức năng bảo quản, thu thập, thì lưu trữ còn phải hướng đến một chức năng quan trọng là chia sẻ, khai thác và sử dụng các tài liệu đã được lưu trữ, tất nhiên phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Do đó cần thận trọng trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tất cả các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ vì có những công đoạn nghiệp vụ lưu trữ quan trọng. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị, nên quy định cụ thể những hoạt động dịch vụ lưu trữ nào được phép thực hiện xã hội hóa và xã hội hóa đến mức nào? Ví dụ, việc nhận ký gửi, bảo quản tài liệu lưu trữ, cho phép sao chụp các loại tài liệu nào để cung cấp dịch vụ cho người có nhu cầu khảo cứu sử dụng vì tài liệu sử dụng cho việc sao chụp chỉ có tuổi thọ nhất định và số lần sao chụp cũng chỉ nhất định, không thể cho phép tự do sao chụp nhiều lần gây hư hại tài liệu.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiểm toán độc lập.
Các ĐBQH đều cơ bản tán thành với việc ban hành một văn bản luật hoàn chỉnh về kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, về tên gọi của dự án Luật, các ĐBQH chưa thống nhất chọn tên của Luật là Luật Kiểm toán độc lập hay Luật Dịch vụ kiểm toán. ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), ĐB Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) tán thành với tên gọi Luật Kiểm toán độc lập, do tên gọi này có tính kế thừa các quy định pháp luật hiện hành và là thuật ngữ đã sử dụng quen thuộc ở nước ta. Tên gọi này cũng giúp phân biệt với kiểm toán nhà nước hay kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, một số ĐBQH chưa đồng tình với quan điểm này và cho rằng, tên gọi Luật Kiểm toán độc lập là chưa chính xác và phù hợp. Nên lấy tên là Luật Dịch vụ kiểm toán vì mối quan hệ giữa doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán thực chất là quan hệ dịch vụ. Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), bất kỳ loại hình kiểm toán nào, kể cả Kiểm toán nhà nước, kiểm toán nội bộ đều là những hoạt động có tính chất độc lập, không bị chi phối bởi tổ chức, cá nhân nào nhằm đưa ra đánh giá khách quan, trung thực, minh bạch về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động hay sự tuân thủ pháp luật của đối tượng được kiểm toán. Nếu gọi đây là kiểm toán độc lập thì sẽ gây hiểu nhầm về tính độc lập của hoạt động kiểm toán. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, nếu có kiểm toán độc lập thì sẽ phải có kiểm toán không độc lập. Nhưng thực tế loại hình kiểm toán nào cũng độc lập chứ không phải chỉ loại hình kiểm toán được quy định trong dự thảo luật. Đây là hình thức dịch vụ kiểm toán nên phải gọi đúng bản chất của nó. Luật quy định đúng thì nhận thức xã hội mới thống nhất. Một số ĐBQH đề nghị: tên gọi của luật phải chính xác, phải sát và phản ánh đúng nội dung của luật. Lý do trong Tờ trình của Chính phủ là kiểm toán độc lập là thuật ngữ đã sử dụng quen thuộc nên dự thảo luật lấy tên Luật Kiểm toán độc lập là không thuyết phục.
Về vấn đề quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) tán thành với quy định về quản lý nhà nước về kiểm toán theo hướng: Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Theo đó, Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên; cấp, đình chỉ thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán… Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm, ở các nước, việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên thường được giao cho Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán đảm nhiệm. Nhà nước chỉ quản lý về thể chế chính sách. Tuy nhiên, do kiểm toán độc lập là loại hình kinh doanh còn mới mẻ tại nước ta, Tổ chức nghề nghiệp kiểm toán cũng đang ở trong giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực vật chất và con người còn hạn chế, thì để Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên là hợp lý. Việc cấp, đình chỉ thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán tập trung vào một đầu mối là Bộ Tài chính là phù hợp vì vừa qua có thực trạng cấp xong là xong, không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên không biết doanh nghiệp nào hoạt động tốt xấu ra sao.
Song, một số ĐBQH cũng đề nghị, về lâu dài cần giao lại thẩm quyền tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên cho Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, tạo điều kiện cho Bộ Tài chính rút về quản lý Nhà nước một cách đúng nghĩa. Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), thiết kế như dự thảo luật tạm thời đáp ứng thực tế hiện nay nhưng về lâu dài thì cần nghiên cứu thêm. Vì kiểm toán mang tính chất hành nghề cá nhân nhiều hơn, khi các doanh nghiệp kiểm toán và số lượng kiểm toán viên phát triển lớn thì Nhà nước sẽ không thể quản lý hết được, do đó phải xem xét đưa vai trò của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán vào dự thảo luật. Nhưng quy định như dự thảo luật thì vai trò của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán còn rất mờ nhạt. Phải nghiên cứu lộ trình trong 5 - 7 năm tới để phân giao vai trò quản lý cho Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán khi mà Tổ chức này đã đủ khả năng đảm đương, khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện. Theo ĐB Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), nghề kiểm toán là nghề có điều kiện, gắn với trách nhiệm con người, nên vấn đề đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng. Trong khi đó, hiện chưa có những mô hình đối chứng để khẳng định Nhà nước quản lý sẽ hiệu quả hơn tổ chức nghề nghiệp. ĐB Ngô Minh Hồng đề nghị, cần tính toán lại để xác định Bộ Tài chính làm phần nào trong quản lý nhà nước, phần nào của tổ chức nghề nghiệp.
Về vấn đề kiểm toán bắt buộc, các ĐBQH nhất trí cho rằng, ngoài những doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật hiện hành đã quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cần thiết bổ sung thêm đối tượng bắt buộc kiểm toán gồm: báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật Nhà nước. Bởi trong điều kiện con người, kinh nghiệm và chất lượng kiểm toán còn hạn chế nên không thể bắt buộc kiểm toán với các ngành nghề. Do vậy, cần có tư tưởng nhất quán là năng lực, điều kiện đến đâu thì quy định đến đó, để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cũng như người dân - ĐB Cao Sỹ Kiêm nêu vấn đề. Song, ĐB Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình), ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) đề nghị, cần có khoản quét để tiến tới mọi khoản chi sử dụng vốn nhà nước đều được kiểm toán, để bảo đảm minh bạch, công khai trong sử dụng ngân sách Nhà nước.