BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII

21/05/2012 13:10

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII  diễn ra từ ngày 21/5 - 21/6, tập trung bàn về các vấn đề lập pháp và kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. 

Hôm nay, ngày 21/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII chính thức được khai mạc vào 9h sáng tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp

 Ảnh VGP/Nhật Bắc


Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó có việc xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012...

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết về: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và Một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Quốc hội cũng sẽ xem xét chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII. Cuối phiên họp, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Một số nội dung quan trọng khác cũng được Quốc hội xem xét trong kỳ họp này, bao gồm các báo cáo công tác của UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thuỷ điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.

“Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội có rất nhiều nội dung quan trọng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, hoàn thành tốt chương trình đã đề ra, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới và tổ chức phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ “Bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012”.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn khó khăn của nền kinh tế trong những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung chỉ  đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp. Một là, tháo gỡ  khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và  đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả  năng cạnh tranh.

Ba là, thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ  môi trường.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện  đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

Năm là, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận  xã hội.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên này, Chính phủ sẽ chính thức trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, nội dung đã được đại biểu Quốc hội yêu cầu tại không ít kỳ họp trước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN… Quốc hội sẽ tăng số lượng các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp với 15 phiên.

Ngoài các phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn, kỳ họp còn truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế- xã hội và các dự luật được nhiều người quan tâm. Thời gian trình bày tại hội trường cũng sẽ được rút ngắn, sắp xếp thời gian hợp lý hơn giữa thảo luận ở tổ và ở hội trường.

Liên quan đến Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội, trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là đề xuất cải tiến, đổi mới về tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hàng năm.

  

Theo http://baodientu.chinhphu.vn
Tìm kiếm