|
Khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN
|
Đúng 9h sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể.
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10. Ảnh: Quang Hiếu (từ video)
|
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến khó lường… đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.
Ở trong nước, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt mức cao hơn kế hoạch đề ra; cải cách hành chính có bước tiến mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu ngân sách nhà nước thiếu bền vững, bội chi cao, nợ công tăng; nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn...
Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.
“Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian và công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội theo chương trình, tiến độ đã xác định; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”. Ảnh: Quang Hiếu (từ video)
|
Tiếp tục chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 2.024 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2.468 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
-------------------------------
*Theo chương trình kỳ họp, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày.
Các đại biểu sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, dự kiến, Quốc hội sẽ dành 19/31 ngày làm việc của kỳ họp thứ 10 để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành 12 ngày làm việc để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và kế hoạch năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020…
Nét mới tại kỳ họp lần này là việc tất cả các thành viên Chính phủ sẽ có mặt trong 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp vào giữa tháng 11.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thực hiện chất vấn các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tư pháp trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với sự tham gia của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.