BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

17/07/2015 22:36

Sáng ngày 17/7/2015, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về 13 luật, pháp lệnh và nghị quyết đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (Buổi Họp báo).

Dự Buổi Họp báo có Lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị chủ trì soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Theo đó, Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết, bao gồm: Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật kiểm toán nhà nước; Luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật thú y; Luật nghĩa vụ quân sự; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật ngân sách nhà nước; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giới thiệu nội dung cơ bản và những điểm mới trong
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Buổi họp báo. (Ảnh: Thế Hải)

Bộ Nội vụ được giao chủ trì soạn thảo 02 dự án Luật quan trọng là: Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể:

Luật Tổ chức Chính phủ, bao gồm 7 Chương và 50 Điều, trong đó quy định Chính phủ sẽ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Thành viên của Chính phủ gồm có Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Về số lượng cấp phó, Luật tổ chức Chính phủ quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.
Luật Tổ chức Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và thay thế Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bao gồm 8 Chương và 143 Điều, trong đó cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn. Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp, theo các nguyên tắc được quy định trong luật.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11.

Tin: Anh Cao, Ảnh: Thế Hải
Tìm kiếm