BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành quản lý nhà nước về tôn giáo

29/12/2017 08:21

Ngày 27/12/2017, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ: ông Bùi Thanh Hà, ông Dương Ngọc Tấn, ông Trần Tấn Hùng; đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Lãnh đạo Ban (phòng) tôn giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các chủ trì tại Hội nghị

Đồng chí Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 ngành quản lý nhà nước về tôn giáo cho thấy, năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng toàn ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã thực hiện tốt chương trình công tác đề ra; trong đó có nhiều nội dung công tác lớn được tập trung chỉ đạo, kết quả cao như: Tổng kết chủ trương, chính sách về tôn giáo, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật xây dựng 2 nghị định quy định chi tiết về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp về đất đai tôn giáo tồn đọng, kéo dài. Toàn ngành đoàn kết, nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đối ngoại tôn giáo, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo được hiệu quả; tham mưu với chính quyền các cấp giải quyết kiến nghị chính đáng của các tổ chức tôn giáo đảm bảo đúng chính sách, pháp luật; xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc tôn giáo phức tạp phát sinh; đặc biệt là vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo, phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, ổn định tình hình tôn giáo trong cả nước, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước.

Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận  những hạn chế của công tác tôn giáo năm qua. Cụ thể, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo chưa nhận thức đầy đủ về tôn giáo, chức năng, nhiệm vụ, vai trò của công tác tôn giáo; có nơi, có lúc còn tư tưởng “quá tả” hoặc “quá hữu” đối với quản lý Nhà nước về tôn giáo, dẫn đến ứng xử và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo chưa phù hợp, tạo tâm lý bức xúc trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Công tác tham mưu chỉ đạo giải quyết vấn đề liên quan đến việc thu hồi, đền bù, giải tỏa đất đai tôn giáo, đặc biệt là việc bố trí quỹ đất đối với các tổ chức tôn giáo có nhu cầu chưa được quan tâm xem xét giải quyết thỏa đáng. Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu; việc tổng kết kinh nghiệm có những hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo hiệu quả chưa cao, có tư tưởng ỷ lại cho rằng đây là việc của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo. Một số quan điểm, chỉ đạo của Đảng chậm được “luật hoá” nên chậm đi vào cuộc sống, hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện dẫn đến lúng túng trong xử lý; bộ máy tổ chức; nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong khi đất đai, cơ sở thừa tự còn thiếu…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, Ban Tôn giáo Chính phủ tập trung vào tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo như Đề án chính sách tổng thể về tín ngưỡng, tôn giáo nước ta, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức Đại hội theo quy định của pháp luật; tiếp tục các hoạt động đối ngoại tôn giáo; tăng cường, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo… nhằm đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phát triển.

Thảo luận tại Hội nghị tổng kết, các đại biểu đã tập trung kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước năm 2017, chia sẻ những kinh nghiệm phối hợp, nhận định đánh giá tình hình, tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo giải quyết những vấn đề tôn giáo phức tạp nảy sinh trong thực tiễn; thông qua đó định hướng hoạt động cho công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước năm 2018. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành quản lý nhà nước về tôn giáo. Phó Thủ tướng nhận định, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có nhiều tiến bộ, chuyển biến tích cực, đổi mới. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, hoạt động đối ngoại tôn giáo từng bước được mở rộng, thanh tra và kiểm tra, việc chấp hành pháp luật được duy trì tích cực, giải quyết khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo tồn tại từ nhiều năm qua đã có một số kết quả tốt, tạo niềm tin với chức sắc và tín đồ các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, các sự kiện lớn của tôn giáo được các cấp chính quyền quan tâm, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật, tạo sự yên tâm của chức sắc và tín đồ với Đảng và Nhà nước; các hoạt động tôn giáo cơ bản theo quy định của pháp luật; các tôn giáo tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước… Với những kết quả đó, ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và góp phần vào thành tựu chung của đất nước đã đạt được trong năm 2017.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng trao đổi thẳng thắn những tồn tại, bất cập trong công tác tôn giáo như: Một số nơi, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ và chưa nhận thức đầy đủ về tôn giáo và công tác tôn giáo, còn mặc cảm, thờ ơ, cực đoan với tôn giáo. Công tác tuyên truyền chưa thực sự đổi mới và phù hợp với thực tiễn. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng giáo còn yếu kém. Công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, khiếu nại về đất đai liên quan đến tôn giáo ở một số nơi chưa được giải quyết dứt điểm, các thế lực phản động đã móc nối với một số ít chức sắc tôn giáo kích động tín đồ chống chính quyền, bắt giữ trái phép cán bộ, tràn vào trụ sở chính quyền…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhận định, năm 2018, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Các hoạt động tôn giáo xuyên biên giới sẽ tác động đến tôn giáo trong nước; do đó, những phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến tôn giáo trong nước nếu không giải quyết đúng có thể dẫn đến phát sinh điểm nóng. Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tổ chức triển khai tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tập trung triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định liên quan trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và toàn xã hội; chú trọng nghiên cứu cách làm mới, hiệu quả, quan tâm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động của các tổ chức tôn giáo; qua đó, nâng cao nhận thức tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhằm làm cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân hiểu rõ và nắm rõ, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các quy định của pháp luật, nêu cao tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các âm mưu và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Quản lý lãnh đạo các hoạt động quần chúng tự phát, không để hình thành các tổ chức hoạt động không đúng quy định của pháp luật. Chuẩn bị các điều kiện triển khai công tác quản lý về tín ngưỡng theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhấn  mạnh về vai trò của tinh thần đoàn kết trong khối đại đoàn kết dân tộc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, chúng ta cần học tập, quán triệt và thực hiện có hiệu quả tư tưởng của Bác Hồ về chính sách đại đoàn kết toàn dân: đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo, tạo ra các giá trị sống nhân văn và tốt đẹp. Đồng thời, cũng đấu tranh với những mặt tiêu cực như lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước.

Thứ hai, Bộ Nội vụ sớm đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng yêu cầu đặt ra, phối hợp phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tập trung làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc trong các tôn giáo; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, tích cực xây dựng lực lượng cốt cán tôn giáo, đặc biệt chú ý vùng trọng điểm phức tạp, định hướng hoạt động đảm bảo theo đúng đường lối và phương châm hành đạo, gắn bó với dân tộc và chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cả từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ làm công tác tôn giáo và các tổ chức, cá nhân tôn giáo; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng giải quyết đúng đắn các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo, tiếp tục vận dụng đúng đắn chính sách, pháp luật để giải quyết các khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo còn kéo dài, phát hiện xử lý tình huống phức tạp ngay từ cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự, không để các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo để móc nối, kích động, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, những vấn đề tồn tại, phức tạp liên quan đến tôn giáo do lịch sử để lại nên không thể một ngày, một buổi giải quyết xong được, cần một quá trình để giải quyết. Trong quá trình đó, thời gian và chính sách tốt sẽ từng bước giải quyết tốt những tồn tại phức tạp, từng bước thay đổi nhận thức của chức sắc và tín đồ để họ gắn bó với dân tộc. Phải vận dụng đúng chủ trương, chính sách để xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo trên cơ sở tôn trọng, gần gũi, vận động, thuyết phục, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, không thành kiến, định kiến với tôn giáo và hoạt động tôn giáo.

Tăng cường công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ tình hình tự do, tín ngưỡng ở Việt Nam. Động viên, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước vì lợi ích cộng đồng, phục vụ đối ngoại nhân dân. Chủ động cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình tôn giáo với các tổ chức, các nước quan tâm, xây dựng lập luận đấu tranh phản bác các luận điệu của thế lực thù địch; từ đó góp phần củng cố an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng tại Hội nghị lần này, 63 tập thể và 125 cá nhân đã có thành tích đóng góp trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2017 thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được nhận Giấy khen của Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Các chủ trì tại Hội nghị

Tin, ảnh: Nguyễn Hương
Tìm kiếm