BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Nội vụ

27/12/2016 11:40

Chiều ngày 26/12/2016, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Nội vụ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì Hội nghị.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Nội vụ; Đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành ở Trung ương; Lãnh đạo Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, đại diện cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và đại diện công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Tại 63 điểm cầu ở các địa phương có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các sở, ban, ngành có liên quan; Lãnh đạo và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đoàn Chủ tịch Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, năm 2016 là năm diễn ra rất nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước. Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng; trong đó có nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Với quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trong ngành Nội vụ, cùng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ Nội vụ đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả trên đã thể hiện được sự tiến bộ của ngành Nội vụ nói chung, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ, các Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các bộ, ngành Trung ương đến Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ các địa phương nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2016.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác của ngành Nội vụ còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận những nội dung: (1) Đánh giá chất lượng và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực. Chú ý đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nêu những hạn chế, thiếu sót, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Đề xuất các giải pháp phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, thiếu sót. (2) Căn cứ nhiệm vụ chính trị trong năm 2017, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, dự báo tình hình thuận lợi, khó khăn, nhất là những khó khăn tác động trực tiếp đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ, từ đó giúp cho Bộ Nội vụ xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trong năm tới đúng trọng tâm, trọng điểm và thiết thực. (3) Đánh giá, đề xuất giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; giữa Bộ Nội vụ với Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố, các Vụ (Ban) tổ chức cán bộ các bộ, ngành Trung ương. (4) Đánh giá công tác tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ; công tác kiểm tra, giám sát của ngành.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Báo cáo tổng kết tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả công tác năm 2016 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của ngành Nội vụ (Báo cáo).

Theo Báo cáo đánh giá, nhìn chung trong năm 2016,  Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Công tác xây dựng thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đã làm tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở các địa phương tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Việc triển khai Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Việc phân cấp trung ương - địa phương tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp với ủy quyền và phân công; quản lý biên chế và giao biên chế năm sau được giao sớm để các Bộ, ngành và địa phương chủ động phân bổ và thực hiện; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tiếp tục được đẩy mạnh trong các đơn vị sự nghiệp. Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực; công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương; việc cải cách thể chế có chuyển biến tích cực, đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công ở các lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng.

Đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách chế độ công vụ, công chức; việc xây dựng vị trí việc làm và hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cơ bản đã hoàn thành; chế độ đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm được tiếp tục hoàn thiện cùng với đổi mới phương thức tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; có quy định cụ thể về chính sách thu hút, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ;...

Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được quan tâm theo lộ trình và điều kiện của đất nước. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với biên soạn chương trình, tài liệu. Các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài được tổ chức hiệu quả, chất lượng, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi công vụ và hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức.

Công tác thi đua khen thưởng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ngày càng được thực hiện và đảm bảo tốt hơn.

Lĩnh vực văn thư, lưu trữ cơ bản đạt được kết quả tốt: Bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia; Quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ được thực hiện chặt chẽ hiệu quả, bảo đảm công dân thực hiện quyền lập hội thuận lợi; Tổ chức, bộ máy làm công tác thanh niên được kiện toàn, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước; công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới, công tác dân vận, dân chủ tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả. Việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiến nghị của cử tri được thực hiện nghiêm túc, theo quy định.

Bên cạnh đó, trong năm qua Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; từng bước phấn đấu theo hướng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”. Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan đang ngày càng mở rộng, hình thành cơ sở dữ liệu chung trong nhiều lĩnh vực quản lý.

Đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ, ngành Nội vụ, tinh thần sự nỗ lực công tác, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành Nội vụ trong năm 2016.

Đối với nhiệm vụ công tác năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, đáp ứng yêu cầu  quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Nội vụ được phân công, phấn đấu xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất. Trước mắt, Bộ Nội vụ cần kịp thời hoàn thiện các Dự án Luật, Pháp lệnh và các đề án trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt chú ý Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (sẽ trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2017); giúp Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trình Thủ tướng ký ban hành. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chấm dứt tình trạng “nợ” văn bản.

Hai là, về công tác cải cách hành chính, Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Phát huy vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cần tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra các giải pháp thông minh có hiệu quả, đột phá giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò trong tổ chức triển khai Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2 (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016; tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, trong đó chú trọng cải cách chính sách tiền lương và chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công.

Ba là, về cán bộ, công chức, công vụ, tiền lương, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ giữa quy định của đảng và pháp luật của nhà nước, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch, quản lý công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục. Trong lĩnh vực tuyển chọn công chức, viên chức, cần công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, minh bạch để ứng viên cạnh tranh với khả năng thực sự, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng; rà soát sửa đổi ngay các thủ tục, quy trình bất hợp lý, sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Không để tình trạng bổ nhiệm cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo ”đúng quy trình” nhưng thực tế là cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm phẩm chất đạo đức, có sai phạm hoặc vi phạm pháp luật.
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý biên chế, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tinh giản biên chế đồng bộ với các giải pháp khác. Cần chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ
Nghiên cứu, kịp thời tham mưu các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập trong việc thực hiện cơ chế tiền lương, phụ cấp; xây dựng và hoàn thiện Đề án tiền lương phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước. 

Bốn là, về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định các Dự thảo Nghị định về tổ chức các bộ (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị định phải ban hành trong Tháng 10, Tháng 11 năm 2016 nhưng đến nay mới có Nghị định về tổ chức của Văn phòng Chính phủ đã ban hành và 05 cơ quan đã trình ), đề xuất chính kiến rõ ràng về cơ cấu tổ chức, phương án phân định thẩm quyền giữa các cơ quan (về chất thải, phân bón, tài nguyên nước, đa dạng sinh học…).
Tập trung rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước theo đúng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quán triệt việc không quy định thành lập tổ chức vào các luật chuyên ngành; cần có ý kiến rõ ràng tại văn bản góp ý hoặc thẩm định. 
Theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành, đề xuất sắp xếp lại hoặc giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành không hoạt động, hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nghiên cứu, đổi mới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan xây dựng Đề án về cơ chế tài chính, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. 
Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các điểm tranh chấp địa giới cấp tỉnh. 
Đối với Bộ Nội vụ, cần gương mẫu rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị  thuộc Bộ để sắp xếp phù hợp với yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; Xem xét kỹ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ sở đào tạo để xắp xếp lại, trách chồng chéo; Khẩn trương  nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng thu gọn hợp lý các đơn vị đầu mối trực thuộc; Tăng cường năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo xây dựng Học viện thành một trung tâm đào tạo cán bộ , công chức hàng đầu của quốc gia, ngang tầm khu vực.

Năm là, quản lý nhà nước đối với Hội; lĩnh vực tôn giáo; công tác thi đua khen thưởng; văn thư lưu trữ và công tác thanh niên.
- Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật về hội để trình Quốc hội. Trước mắt, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý đối với hội; bảo đảm không tăng biên chế các hội (theo dự kiến, Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ nghe vấn đề này).
Cần chú ý nghiên cứu xây dựng Đề án liên quan đến các tổ chức phi chính phủ (NGO), phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục truyền thống, đặc thù văn hóa, thể chế chính trị  của nước ta.
- Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo và thực hiện nhất quán chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, nhà nước ta; Tăng cường đối thoại, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo vận động các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn hóa, chăm lo phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo; Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng; bảo đảm tính đồng nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đơn giản hóa thủ tục khen thưởng; Tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét để nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, trong đó khắc phục tình trạng “nặng trên, nhẹ dưới” chỉ khen thưởng nhiều cho cán bộ lãnh đạo; Chú trọng việc khen thưởng cho các đơn vị cơ sở,  công chức, viên chức, chiến sỹ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, khen thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân có thành tích thực sự; Không để tình trạng khen thưởng cho các tập thể, cá nhân sai phạm, vi phạm pháp luật vẫn được đề xuất khen thưởng dưới mọi hình thức.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư-lưu trữ; bảo quản kho lưu trữ khoa học, hiện đại; tổ chức tốt việc khai thác, thu thập tư liệu lịch sử.
- Hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên, trình Chính phủ.

Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, trong đó lưu ý đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo có trình độ chuyên môn cao ngang tầm khu vực, tập trung nghiên cứu sâu, chú trọng tính ứng dụng, kịp thời, thiết thực, phục vụ quản lý nhà nước của công tác nghiên cứu khoa học.

Bẩy là, Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại Bộ Nội Vụ phải gắn chặt với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động công vụ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. 


Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe các ý kiến tham luận, trao đổi kinh nghiệm thực hiện của đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương tại các điểm cầu, tập trung một số vấn đề như: Tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu chỉ đạo toàn diện và sâu sắc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đối với công tác quản lý của ngành Nội vụ và phương pháp điều hành của Bộ Nội vụ, sự hiện diện và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trước nhiệm vụ to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao trong thời gian qua. Thay mặt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Nội vụ cả nước, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu 07 nhóm vấn đề quan trọng mà Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo tại Hội nghị, sớm cụ thể hóa để bổ sung vào chương trình công tác của ngành Nội vụ để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bộ trưởng đề nghị Thư ký Hội nghị tổng hợp đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu để tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo và triển khai công tác.

Từ kết quả thực hiện trong năm 2016, nhận định nhiệm vụ và khối lượng công việc của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trong năm 2017 là rất nặng nề; bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình, kế hoạch công tác, các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, còn có việc hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội. Nhấn mạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2017 của ngành Nội vụ là nhiệm vụ bắt buộc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Nội vụ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân, cùng cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, góp phần cùng Đảng, Nhà nước hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; cùng với Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu Chính phủ kiến tạo phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Nội vụ

Tin, ảnh: Anh Cao
Tìm kiếm