BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ để tự nguyện, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời

21/10/2008 14:40

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định, đạo đức chỉ có thể hình thành và phát triển trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng. Cứ mỗi ngày, mỗi người, mỗi tổ chức làm thêm một việc tốt để toàn xã hội chuyển biến tốt hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống theo tấm gương của Bác, chính là biểu hiện sức sống, hiệu quả thiết thực của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.   

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và trao giải cho các thí sinh
                      Tối 18/10, tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao giải Hội thi Chung khảo toàn quốc "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tiến tới Hội thi Chung khảo, đã có hàng vạn hội thi chọn lọc được tổ chức từ cấp cơ sở trở lên, với sự tham gia của hàng chục vạn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
          Mỗi người đều có thể học tập, phấn đấu, rèn luyện, noi theo gương Bác
         Trong gần 2 năm qua, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  đã được triển khai mạnh mẽ bằng những hình thức hoạt động rất phong phú, đa dạng và đã thu được kết quả bước đầu quan trọng. Trong số các hoạt động đó, hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác là một hoạt động có tính xã hội rộng rãi, được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao.
         Tổng Bí thư nhấn mạnh, qua những câu chuyện cụ thể về tấm gương đạo đức của Bác, chúng ta càng thấy rõ những việc Bác làm, những lời Bác dạy, những quan hệ xã hội mà Bác đã xử sự đều rất sâu sắc, tinh tế, thân mật và bình dị. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất trong sáng, vĩ đại nhưng rất gần gũi, cụ thể, gắn liền với cuộc sống và các mối quan hệ hàng ngày. Mỗi người chúng ta đều có thể học tập, phấn đấu, rèn luyện, noi theo để trở thành người tốt hơn.
          “Nguyên tắc thực hành đạo đức Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, đặc biệt là phải coi trọng việc nêu gương. Tác dụng nêu gương rất quan trọng, hình thành đạo đức xã hội”, Tổng Bí thư cho biết.
           Trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư, phải tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của cuộc vận động theo kế hoạch đã đề ra. Từ nay đến cuối năm, cần tiến hành đánh giá kết quả đạt được trong năm 2008, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng và trọng tâm của cuộc vận động trong năm 2009, gắn với tổng kết 40 năm thực hiện Di chúc của Người.
          Trên cơ sở kết quả triển khai cuộc vận động ở các ngành, địa phương, tổ chức hội nghị gặp gỡ các tập thể và cá nhân điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác ở các cấp, tiến tới Hội nghị toàn quốc vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng ta, năm 2010.
          Tổng Bí thư chúc mừng các thí sinh, đại diện cho hàng vạn thí sinh trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã thể hiện xuất sắc bài thi của mình tại Hội thi chung khảo toàn quốc. Mỗi người có năng khiếu, nghệ thuật kể chuyện khác nhau nhưng đều rất tâm huyết, nhiệt tình, say mê khi kể chuyện về Bác. Phần thưởng lớn nhất là ghi nhận của xã hội về sự tâm huyết của các đồng chí, các thí sinh khi kể chuyện về Bác Hồ. Sự tâm huyết đó đã góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trao giải Nhất cho thí sinh Phan Thị Đông ,Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
           Mỗi câu chuyện về Bác là bài học cảm động và sâu sắc có sức lan tỏa lớn
           Đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo TƯ Cuộc vận động cho biết: Hơn một năm qua, cả nước đã tổ chức 19.097 hội thi với sự tham dự của 234.858 lượt thí sinh dự thi. Qua các vòng sơ khảo tại khu vực, Ban tổ chức đã lựa chọn 15 thí sinh xuất sắc nhất dự vòng chung khảo toàn quốc tại Hà Nội tối 18/10.
          Ban tổ chức đã trao một giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 6 giải khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc.
          Với câu chuyện “Bác Hồ với đồng bào chiến sĩ miền Nam”, phần liên hệ thực tiễn sâu sắc, minh hoạ sinh động, thí sinh Phan Thị Đông, đến từ Thư viện Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã được trao giải Nhất.
          Làm việc tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngày, Phan Thi Đông được tiếp xúc với hàng trăm lượt người đến tham quan và vào lăng viếng Bác. Mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác và chính điều đó đã nguồn cảm xúc dồi dào cho Phan Thị Đông thể hiện thật xúc động câu chuyện về Bác.
          3 thí sinh đoạt giải Nhì là Trần Thị Thanh Mai, giáo viên Trường THCS La Khê, TP.Hà Đông, Hà Nội; Đỗ Văn Thịnh, cán bộ quân sự phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng; Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THCS An Dương Vương, Ninh Hải, Ninh Thuận.
          5 thí sinh đoạt giải Ba là Mai Hương, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lai Châu; Lưu Hùng Vỹ, kỹ thuật viên Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TW; Lê Thị Ngọc Hoa, biên tập viên Đài TT-TH TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Trần Thị Thơm, giáo viên trường THPT Tenlơman quận I, thành phố Hồ Chí Minh;  Ni cô Thích Đàm Ngọc, Hội Phật giáo huyện Ý Yên, Nam Định.
 
Đức Tuân - Nguyệt Hà
( Theo Cổng TTĐT Chính phủ )

 

Tìm kiếm