Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đánh giá toàn diện kết quả tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chínhTrình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, hoạt động giám sát nhằm xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Qua giám sát, đoàn giám sát đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030; kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị, việc sắp xếp đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn...) và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Nội dung giám sát là tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Giám sát việc đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá tính hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước, cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, giám sát việc áp dụng các bài học kinh nghiệm, cách làm hay, có hiệu quả trong việc xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính, vận động, thuyết phục nhân dân đồng thuận với phương án sắp xếp, lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính; các kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện phương án sắp xếp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Giảm được gần 600 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nướcQua thảo luận, các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo của cơ quan thường trực đoàn giám sát là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể của dự thảo kế hoạch và đề cương.
Đại diện Bộ Nội vụ tham gia phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 591 đơn vị hành chính cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố.
Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong tháng 8 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 653. Trên cơ sở báo cáo này, Bộ Nội vụ cũng đã có báo cáo, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đây là những căn cứ để xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2022- 2025.
Giảm đầu mối đi liền với tiết giảm chi ngân sáchChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chất lượng chuẩn bị Báo cáo kế hoạch, đề cương chuyên đề giám sát này, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp đơn vị hành chính là để cho bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn, cũng như đảm bảo hiệu quả của việc chi thường xuyên.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát bám sát tinh thần chỉ đạo thực hiện của Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Theo đó, bên cạnh tiêu chí chính là dân số, diện tích của địa phương thuộc diện sắp xếp, Đoàn giám sát cần chú ý các vấn đề liên quan đến đặc điểm về địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống... của địa phương.
Khuyến khích, biểu dương một số địa phương mặc dù không thỏa mãn tiêu chí dân số và về hành chính nhưng tình nguyện, tự nguyện, tự giác làm để hoạt động của chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương, đáp ứng điều kiện về dân số và diện tích để tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính nhưng do còn nhiều yếu tố khác nên kiến nghị chưa nên làm. Đây cũng là những vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội lưu ý khi giám sát chuyên đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh lại mục tiêu của tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy chính quyền địa phương là giảm đầu mối và đi liền với đó là tiết giảm về chi phí ngân sách. Tuy nhiên, thực tế có nơi nói sắp xếp bộ máy biên chế tốt nhưng thực chất cuối cùng đến cuối năm, cuối khóa kiểm tra, kiểm điểm cho thấy chi thường xuyên không giảm hoặc chỉ giảm ít. Từ đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát ngoài báo cáo của các tỉnh, cần bám sát số liệu của Bộ Tài chính và nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo tính độc lập, khách quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, giảm biên chế bộ máy phải đảm bảo tính đồng thuận, Đoàn giám sát cũng cần chú ý giám sát quá trình trước, trong và sau khi sắp xếp, tư tưởng cán bộ, nhân dân địa phương có ổn định, có vấn đề gì phức tạp nảy sinh hay không.
Qua quá trình giám sát phải giúp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Tinh giản, sắp xếp cuối cùng vẫn là nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát cần đánh giá được các chỉ số về cải cách hành chính; vấn đề năng lực, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương; chỉ số hài lòng của người dân với việc cung ứng dịch vụ công thuộc xã, phường, thị trấn như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đoàn giám sát về một số vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, như việc thực các chương trình mục tiêu quốc gia. Ví dụ như một xã đạt chuẩn nông thôn mới, sáp nhập với một xã chưa đạt chuẩn, sau khi sáp nhập có được chuẩn nông thôn mới hay không; các danh hiệu của địa phương sẽ được giải quyết như thế nào sau sắp xếp. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tính đến và phương án xử lý như thế nào. Sau sáp nhập, định hướng quy hoạch phát triển, việc thực hiện chính sách đối với cán bộ dôi dư cả về vật chất, tinh thần như thế nào.
Đoàn giám sát cần trực tiếp đến khảo sát một số trường hợp điển hình, trong đó có cả những trưởng hợp sau sắp xếp không được như mong muốn, để rà soát, đánh giá, tổng kết chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm và bài học kinh nghiệm, từ đó có kiến nghị, đề xuất tiếp theo trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính thời gian tới.
Nguồn: TTXVN