BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Giảm chi ngân sách hơn 15.000 tỷ nhờ tinh gọn bộ máy, giảm biên chế

24/04/2021 21:57

Lũy kế từ năm 2017 đến 2019, chi ngân sách Nhà nước giảm trên 15.000 tỷ từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới lĩnh vực sự nghiệp công.

Sau 2 tuần nhận nhiệm vụ Tư lệnh ngành Nội vụ, nữ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà có bài viết “Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà văn kiện Đại hội Đảng XIII đề cập.

Giảm hơn 270.000 biên chế công chức, viên chức

Khái quát các kết quả đạt được trong 5 năm qua, Bộ trưởng Nội vụ cho biết việc xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính Nhà nước đã đạt những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng.

Việc sắp xếp bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc triển khai Nghị quyết 18, 19 của Trung ương đã tạo được nhận thức mới, tư duy mới và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Đến nay đã giảm được nhiều đầu mối bên trong các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt giảm trên 25% đơn vị sự nghiệp; giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã.


Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc triển khai Nghị quyết 18, 19 của Trung ương đã tạo được nhận thức mới, tư duy mới và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Ảnh: Hoàng Hà.

Người đứng đầu ngành nội vụ cho biết trong tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã giảm trên 27.500 biên chế công chức; giảm gần 243.000 biên chế viên chức - vượt mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2021.

Ngoài ra, công chức từ cấp huyện trở lên giảm 40.000 người; giảm gần 148.000 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố; hợp đồng lao động giảm gần 7.000 người.

Những con số này đã tạo ra hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo Bộ trưởng Nội vụ, Bộ Tài chính tính toán năm 2019 giảm 0,85% tỷ trọng chi thường xuyên so với năm 2017, tương đương 10.000 tỷ.

Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, chi ngân sách Nhà nước đã giảm trên 15.000 tỷ đồng từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới lĩnh vực sự nghiệp công.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho hay tính từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2020, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 4.000 thủ tục hành chính, hơn 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương cuối năm 2019 đến cuối năm 2020 là 8.000 tỷ đồng.

“Đây không chỉ là một khoản tiền tiết kiệm rất lớn, mà còn đem lại nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc: Tiết kiệm thời gian, công sức của cả xã hội, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh thực hành dân chủ, tăng cường niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phòng, chống tham nhũng”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

6 giảm và 6 tăng

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 đã giúp “6 giảm” và “6 tăng”.

Cụ thể, “6 giảm” là: Giảm đầu mối; giảm cấp trung gian; giảm số lượng lãnh đạo; giảm biên chế; giảm thủ tục hành chính; giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị.

“6 tăng” bao gồm: Tăng về tính khoa học tổ chức; tăng về chất lượng cán bộ; tăng về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng sự đồng thuận xã hội.

Dù đạt nhiều kết quả, song Bộ trưởng Nội vụ thẳng thắn cho rằng việc thực hiện các chủ trương trên còn một số hạn chế, tổ chức bộ máy vẫn chưa khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ.

Một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy; việc rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản, các quy định không phù hợp với thực tế.

Để khắc phục hạn chế, Bộ Nội vụ đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, Bộ phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, bảo đảm quản lý Nhà nước thống nhất, thông suốt và hiệu quả.

Cùng với việc đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu nghiên cứu thí điểm tổ chức ở cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt là việc có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nguồn: https://zingnews.vn


Tìm kiếm