Sáng nay (20/10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cán bộ, công chức và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật Cán bộ công chức đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, vào tháng 5/2008 vừa qua. Đây là một dự án luật được đánh giá là quan trọng, khi đưa vào thực hiện sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức.
Thảo luận về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo luật này, các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm đối với các vấn đề về nghĩa vụ và quyền của cán bộ công chức; những việc cán bộ công chức không được làm; vấn đề tuyển dụng, chế độ đào tạo cán bộ công chức và vấn đề quản lý cán bộ công chức.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, với những nội dung được quy định như trong Dự thảo luật thì khó có thể khắc phục được thực trạng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, tuy đông nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu người giỏi, chưa có sự cạnh tranh, và cũng chưa có cơ chế phát hiện và tuyển dụng người tài.
Tiền lương cho cán bộ công chức còn nhiều bất cập
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công chức về tiền lương và các chế độ khác liên quan đến tiền lương, mặc dù Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình về việc giải quyết tiền lương phải gắn với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (đoàn Bình Định), cần xem xét lại chế độ tiền lương cho cán bộ công chức. Hiện cán bộ công chức đang hưởng lương theo hình thức thang, bảng lương tương ứng với ngạch, bậc và các loại phụ cấp chứ không phải theo nhiệm vụ, công việc được phân công. Chưa kể, chế độ lương hiện hành của cán bộ công chức chưa đủ để bù đắp giá trị sức lao động, chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu so với mặt bằng xã hội. Mức thang, bậc lương không có tác động tích cực đến sự nỗ lực phấn đấu hoặc răn đe cán bộ công chức. Chính sách tiền lương chưa thực sự công bằng, viên chức sự nghiệp ngoài tiền lương từ ngân sách Nhà nước còn được hưởng các nguồn thu từ sự nghiệp khác trong khi cán bộ công chức chỉ được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương, đây là lý do để các ngành giáo dục, y tế ở địa phương rất khó điều động cán bộ công chức về làm việc ở cơ sở; là lý do của nhiều sinh viên khi ra trường không muốn vào làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Chế độ lương hiện tại cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho cán bộ công chức chưa hết lòng phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đại biểu đề nghị cùng với các biện pháp cải cách hành chính tinh gọn bộ máy, Nhà nước cần đảm bảo lương cho cán bộ công chức tương xứng với năng lực, trình độ và đóng góp của họ.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) nêu ý kiến băn khoăn nên chăng có một quy định cụ thể trong luật về những chính sách ưu đãi đối với cán bộ công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu Ngyễn Văn Tuyết cũng nhất trí với những quy định trong Dự thảo luật về chính sách ưu đãi nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định của pháp luật đối với cán bộ công chức tạo điều kiện để cán bộ công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên về các đối tượng được hưởng chính sách này cần phải theo quy định của pháp luật bởi không phải đối tượng cán bộ công chức nào cũng được hưởng chính sách này mà cần phải theo quy định của pháp luật, tuỳ theo từng đối tượng thì được áp dụng các mức cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sai phạm.
Công chức cấp xã cũng phải thi tuyển
Nội dung được các đại biểu dành nhiều quan tâm trong phần thảo luận sáng nay đó là đối tượng cán bộ công chức cấp xã. Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng), Phạm Thị Thanh Hương (đoàn Bình Định), Nguyễn Hữu Phước (đoàn Bến Tre), Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) đều đồng tình với việc đưa cán bộ công chức cấp xã vào đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức là cần thiết.
Các đại biểu cũng cho rằng một số quy định về đối tượng này trong luật còn có sự phân biệt, thiếu công bằng, chưa xác định đúng vị trí của đối tượng này và chưa phù hợp với thực tiễn, do đó chưa tạo ra sự liên thông trong đội ngũ công chức các cấp và không động viên được đội ngũ công chức làm việc ở cấp xã. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương, cán bộ công chức cấp xã được ưu tiên tuyển vào làm việc ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị, để trở thành cán bộ công chức cấp xã, các đối tượng cũng phải đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn và cũng phải qua thi tuyển hoặc bầu cử theo quy định của pháp luật tương tự như với cán bộ công chức. Nếu quy định như trong Dự thảo luật, thì cán bộ công chức cấp xã không thể liên thông với cấp huyện.
Trong thực tế, nhiều cán bộ công chức cấp xã qua công tác đã thể hiện rõ phẩm chất đạo đức tốt, năng lực hoạt động quần chúng tốt, được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, những cán bộ công chức này có khả năng đảm nhận các vị trí công tác cao hơn. Do đó cần phải có cơ chế liên thông giữa cán bộ công chức cấp xã và huyện để cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét điều động các cán bộ công chức đó về làm việc ở cấp huyện, tạo nguồn cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn cho địa phương.
Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định như Dự thảo luật, sẽ không khuyến khích các đối tượng được đào tạo chính quy có trình độ Đại học, Cao đẳng về công tác ở cơ sở vốn đang rất thiếu cán bộ có trình độ. Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương cũng kiến nghị bổ sung vào Dự thảo luật nếu cán bộ công chức cấp xã có thời gian công tác ít nhất 5 năm tại xã đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nếu cấp huyện có yêu cầu thì có thể điều động để trở thành cán bộ công chức cấp huyện.
Thực hiện bình đẳng giới trong Luật Cán bộ, công chức mới chỉ là hình thức
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng), việc thực hiện lồng ghép giới vào Luật Cán bộ công chức không đơn thuần chỉ là việc thực hiện Điều 21 của Luật Bình đẳng giới mà còn cụ thể hoá Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Cán bộ công chức mới chỉ dừng lại ở việc quy định không phân biệt nam nữ ở khoản 4 Điều 19 và khoản 1 Điều 28, quy định mang tính đặc thù đối với phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ ở khoản 6 Điều 54 và khoản 5 Điều 60 mà thôi. Dự thảo luật quy định một trong 5 nguyên tắc quản lý cán bộ công chức là thực hiện bình đẳng giới với nhiều nội dung về quản lý cán bộ công chức: đào tạo, bổ nhiệm, bồi dưỡng... nhưng lại không quy định cơ chế để đảm bảo thực hiện thì bình đẳng giới mới chỉ là hình thức chứ chưa thực chất. Đại biểu đề nghị rà soát và bổ sung biện pháp thực hiện bình đẳng giới vào các điều luật có liên quan để có thể đạt được các chỉ tiêu mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2020.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi)./.