Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm một số hiện vật tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm khu trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Nơi đây hiện lưu giữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B; trong đó có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945 - 1975).
Hồ sơ gồm các loại giấy tờ như: giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, sơ yếu lý lịch, chứng chỉ và bằng cấp chứng nhận trình độ học tập, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển, đơn tình nguyện đi B, bằng khen, giấy khen, thư từ cá nhân... Kỷ vật gồm có: huy hiệu, phiếu tiết kiệm, công trái, tiền vàng... Trong số 72.000 hồ sơ, kỷ vật nêu trên, hiện còn gần 16.000 giấy tờ rời lẻ chưa xác định được chủ nhân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Ðặng Thanh Tùng đã báo cáo tóm tắt với Chủ tịch Quốc hội về chức năng nhiệm vụ của Cục, trong đó có công tác bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng báo cáo tại buổi làm việc
Theo Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, trong thời gian qua, khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Với mong muốn cán bộ đi B và thân nhân sớm biết thông tin về hồ sơ cán bộ đi B và nhận được hồ sơ để cá nhân và thân nhân gia đình làm cơ sở giải quyết chế độ chính sách, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để tổ chức phân loại, sắp xếp, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, tra tìm toàn bộ khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B để thuận tiện cho việc phục vụ khai thác, sử dụng.
Từ năm 2007, Cục đã trao Danh mục hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B cho các tỉnh, thành phố với nhiều hình thức khác nhau như: mời đại diện các địa phương đến Trung tâm để nhận; Trung tâm cử người đến các các tỉnh, thành phố trao tặng; Trung tâm chuyển danh mục qua đường bưu điện đến một số tỉnh, thành phố, đồng thời đưa danh mục này lên Trang thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho việc tra cứu qua mạng Internet.
Từ năm 2009 đến năm 2016, Cục đã tiến hành chuyển giao dữ liệu và bản sao hồ sơ của cán bộ đi B gửi về Chi cục Văn thư - Lưu trữ các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời có bộ phận chuyên tiếp nhận và phục vụ mọi nhu cầu về thông tin hồ sơ của cán bộ đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tiến hành trưng bày hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B ở các tỉnh, thành phố, như: năm 2006 - 2007 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; năm 2008 tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Quảng Nam. Mới đây nhất là năm 2018 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức trao kỷ vật tại Thành cổ Quảng Trị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đội ngũ những người làm công tác lưu trữ nói chung và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng trong việc nỗ lực sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý của quốc gia, dân tộc, trong đó có những tài liệu, kỷ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Xúc động khi được tận mắt chứng kiến những kỷ vật của cán bộ đi B, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là khối tài liệu vô cùng quý giá, không chỉ đối với quốc gia mà còn quý giá đối với cả gia đình, thân nhân cán bộ đi B cũng như có giá trị quý báu trong việc giáo dục giới trẻ phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần quả cảm của thế hệ cha anh đi trước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ cùng trao đổi và đi đến thống nhất đưa dữ liệu của 72.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B lên mạng, có đường link vào trang mạng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ khai thác, tìm kiếm được thuận tiện. Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm phát huy giá trị khối tài liệu lưu trữ quốc gia nói chung, trong đó có các tài liệu liên quan đến Quốc hội như trưng bày triển lãm theo chủ đề phục vụ các kỳ họp của Quốc hội. Cùng với đó các bộ, ngành trong dịp kỷ niệm ngày thành lập phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia để triển lãm những tài liệu trong từng thời kỳ...
Đánh giá về thực trạng hiện nay nhiều hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III về đến các địa phương vẫn còn trong tình trạng lưu trữ. Vì vậy, cần tích cực tổ chức trưng bày, triển lãm những hồ sơ, kỷ vật này để các tầng lớp nhân dân hiểu được đây là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về việc nhiều thân nhân, gia đình còn chưa biết đến nhiều kỷ vật của cán bộ đi B. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội sẽ đề nghị với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, chuyển giao hồ sơ, kỷ vật đến đúng địa chỉ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương để tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công bố giới thiệu về khối hồ sơ của cán bộ đi B trên các phương tiện thông tin vào các khung giờ thích hợp để các gia đình, cá nhân cán bộ đi B tiếp nhận được hồ sơ, kỉ vật cũng như giáo dục giới trẻ về truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước cũng như của cả dân tộc.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi sổ lưu niệm và tặng quà cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ./.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi sổ lưu niệm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
Toàn cảnh buổi làm việc