Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc; các Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ: bà Trần Thị Minh Nga, ông Nguyễn Ánh Chức, ông Nguyễn Tiến Trọng; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện các bộ, ngành liên quan.
Vui mừng được gặp mặt Đoàn đại biểu các chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tới chào thăm, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những đóng góp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào tôn giáo tại Việt Nam, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước đạt được ngày hôm nay có đóng góp hết sức quan trọng của đồng bào các tôn giáo.
Chủ tịch nước phát biểu: Việt Nam là quốc gia có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị căn bản của nhân loại. Đồng bào các tôn giáo luôn được nuôi dưỡng, bồi đắp trong dòng chảy của truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung, kiên cường, bất khuất của dân tộc. Lịch sử dân tộc luôn ghi nhận những đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Các tôn giáo ở Việt Nam đã góp phần lưu giữ, bồi đắp những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực và sâu rộng trong đời sống xã hội. Giá trị đạo đức tốt đẹp, tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo đã được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Với hơn 1/4 dân số cả nước, đồng bào các tôn giáo là một lực lượng quần chúng đông đảo đã thể hiện vai trò tích cực trong việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã báo cáo khái quát tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Tính đến tháng 5/2024, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với hơn 27 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó có trên 54.000 chức sắc, 135,5 nghìn chức việc; trên 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 54.000 cơ sở tín ngưỡng. Mỗi tôn giáo ở Việt Nam có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc; tôn vinh những người có công với đất nước và Nhân dân; không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào tôn giáo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính, làm tròn bổn phận của công dân, phát huy nguồn lực tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo; chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ, tạo cơ chế và điều kiện để các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo phát huy nguồn lực trong xây dựng, phát triển đất nước.
Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và những khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực, đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân trong đó có đồng bào các tôn giáo, Chủ tịch nước mong muốn các tổ chức tôn giáo, chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục thực hiện tốt đường hướng hành đạo, tuân thủ pháp luật; giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó với dân tộc cùng toàn thể Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong tham gia xây dựng và phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bày tỏ vinh dự được đến Phủ Chủ tịch và chào thăm Chủ tịch nước, chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo vui mừng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước trên mọi lĩnh vực. Vai trò, vị thế của đất nước ngày một nâng cao trong khu vực và trên thế giới.
Chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo cùng cam kết đồng hành, gắn bó cùng dân tộc và bày tỏ nguyện vọng được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chức sắc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo nêu ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề an sinh, bảo vệ môi trường… tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo tham gia hiệu quả vào các hoạt động phục vụ cộng đồng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vì sự phát triển chung của đất nước.