BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN

08/09/2015 21:11

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút, công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; cácPhó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ tham dự lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tham dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Lê Lương Minh; lãnh đạo một số bộ, ngành; đại sứ một số nước ASEAN tại Việt Nam…

Hướng tới việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, trụ cột tiên phong trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, các quốc gia ASEAN đã triển khai hàng loạt các biện pháp cụ thể, trong đó có việc tập trung triển khai thiết lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, công cụ thuận lợi hóa thương mại và góp phần đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và một thị trường chung.  

Bên cạnh cam kết hội nhập khu vực, xuất phát từ nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, đảm bảo vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xác định cần nhanh chóng cải cách các thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực coi đây là một trong nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn hội nhập.

Trong đó, việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia như là một công cụ chính của các cơ quan Chính phủ trong tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế cũng như sớm kết nối Cơ chế một cửa ASEAN đã được các cấp lãnh đạo Chính phủ quan tâm theo dõi sát sao và có những chỉ đạo hết sức quyết liệt.

Chỉ đạo việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN là Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban. Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, cơ chế một cửa quốc gia được triển khai qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, kết nối các Bộ Tài chính, Công Thương, GTVT. Giai đoạn 2, kết nối các Bộ NN&PTNT, TN&MT, Y tế. Giai đoạn 3, kết nối các Bộ KH&CN, TT&TT, VHTT&DL.

Trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các Bộ GTVT, Công Thương thực hiện nhiều thủ tục hành chính một cửa liên quan đến các lĩnh vực quản lý tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại 5 cảng biển quốc tế; thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu có xuất xứ ASEAN (C/O form D) theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô tô phân khối lớn; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ozone. 

Tính đến ngày 27/8, có gần 1.940 doanh nghiệp đã thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trong giai đoạn 2, Cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục mở rộng kết nối với các Bộ NN&PTNT, TN&MT, Y tế. Hiện các Bộ đang thực hiện đào tạo cho doanh nghiệp kết hợp với việc thí điểm từng bước để có thể triển khai theo diện rộng vào cuối năm 2015.

 

Trong giai đoạn 3, các Bộ KH&CN, TT&TT, VHTT&DL hoàn tất để có thể kết nối Cơ chế một cửa quốc gia trong các lĩnh vực kiểm tra chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục kiểm tra chất lượng; cấp phép nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện; đồ chơi trẻ em nhập khẩu. Các thủ tục nói trên sẽ được triển khai trong giai đoạn từ tháng 9/2015 đến hết năm 2015.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

 

Với vai trò là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Hiệp định, Nghị định thư và đưa nội dung của các điều ước này vào thực hiện khi được Chính phủ các nước thành viên phê chuẩn.

Hiện, nhiều nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã hoàn thành rà soát pháp lý và nội luật hóa các quy định để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN. Các nước thành viên cũng đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, nền tảng pháp lý hoàn chỉnh để Cơ chế một cửa ASEAN chính thức vận hành trong năm 2015.

Cho tới thời điểm hiện tại, có 7 nước thành viên, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12/2015.

Từ giữa tháng 8/2015 tới giữa tháng 9/2015, trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã lần lượt thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên, bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Theo kế hoạch đã thống nhất giữa các nước thành viên, đến hết tháng 10/2015, toàn bộ 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12/2015.

Trong thời gian tới, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn cuối năm 2015 tập trung củng cố các thủ tục hành chính đã triển khai và lan tỏa trên phạm vi toàn quốc cho tất cả các đối tượng có liên quan; thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính một cửa quốc gia đã kết nối chính thức; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi thông tin về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN (C/O form D) và thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) đối với 4 nước đã sẵn sàng (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan).

Giai đoạn 2, từ năm 2016 đến 2020, mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các bộ, ngành về phạm vi, đối tượng. Toàn bộ các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

 

Trong giai đoạn này, Cơ chế một cửa ASEAN được kết nối đầy đủ và sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường kiểm soát đối với hàng nhập khẩu.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) giới thiệu về cơ chế hoạt động của hệ thống giám sát hải quan trên toàn quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia nhấn mạnh, đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước ngoặt cho thực hiện cải cách hành chính, tiến tới Chính phủ điện tử.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những đột phá chiến lược trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; đồng thời đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm hội nhập khu vực và quốc tế thành công.

Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong các giải pháp đó, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy thương mại, du lịch, đầu tư; đồng thời khẳng định quyết tâm tích cực chủ động của Việt Nam trong thực hiện các cam kết cùng các nước trong khu vực hiện thực hóa việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Chỉ đạo đã có nhiều cố gắng, chủ động, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, đã đề xuất, bổ sung, nhiều văn bản pháp luật phù hợp với cơ chế một cửa, với yêu cầu phát triển và các cam kết quốc tế; đã hoàn thành kết nối với cơ chế một cửa quốc gia đối với 9 bộ, ngành có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Đặc biệt, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, phối hợp, hôm nay Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước trong khu vực là Singapore, Indoneisa, Malaysia và Thái Lan. Đây thực sự là bước đột phá quan trọng và là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nhấn mạnh, là một cộng đồng với dân số khoảng 625 triệu người, GDP trên 2.500 tỉ USD, ASEAN ngày càng có vị thế và vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nêu rõ, vai trò và lợi thế của ASEAN chỉ thực sự phát huy khi từng nước cùng nhau cố gắng vì một ASEAN phát triển vững mạnh.

“Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính nhằm hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và hiệu lực”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo các điền kiện cần thiết để kết nối đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng kế hoạch đã thống nhất giữa các nước thành viên trong tháng 12/2015.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và mở rộng triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các lĩnh vực, các quốc gia trong ASEAN, nhất là đối với các phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, đạt trình độ ngang tầm với các quốc gia tiên tiến trong khu vực và hoàn tất các chỉ tiêu đặt ra theo Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục rà soát, nội luật hóa những quy định trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế trong đó có những quy định hướng dẫn triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Cùng với đó là thời gian hoàn thiện quy trình, quy chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức trong nước và nước ngoài để Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời trên cơ sở kết quả đạt được, cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để từng bước mở rộng việc kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.

Theo http://baochinhphu.vn/
Tìm kiếm