BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ của Hà Nội: Đồng bộ, hiệu quả, chất lượng

20/04/2009 10:42

Kết quả hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 3 (khóa VIII) cho thấy, công tác cán bộ của TP Hà Nội có những bước tiến đáng kể; đội ngũ cán bộ ngày càng có nhiều đóng góp xứng đáng vào thành tựu đổi mới và phát triển của Thủ đô.

Tuy vậy, để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân và yêu cầu của hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, hiệu quả và chất lượng.

Trọng dụng người có đức, có tài

Lâu nay, có ý kiến cho rằng Hà Nội chưa tận dụng được thế mạnh, có nhiều tiềm năng về các mặt do vị thế Thủ đô mang lại. Nhận rõ hạn chế này, Hà Nội đã chọn công tác cán bộ là khâu đột phá, tranh thủ được sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể ở TƯ, thu hút được nhiều cán bộ, trí thức, các văn nghệ sĩ. Hai đề án đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng tài năng trẻ; đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài đang được triển khai gấp rút. Ngoài chính sách chung của TP, nhiều quận, huyện còn có cơ chế riêng thu hút, trọng dụng nhân tài.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Thành ủy sẽ xây dựng cụ thể tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong từng loại hình cơ quan, đơn vị. Đi đôi với đó là phân cấp quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đặc biệt là xây dựng cơ chế phát hiện người có đức, có tài (đối với cả đảng viên và người ngoài Đảng, người trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài…) để quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo.

Xây dựng cơ cấu cán bộ khoa học

So với các tỉnh, TP, trình độ đội ngũ cán bộ của Hà Nội hiện nay khá cao. Có đến 98,7% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ đại học (ĐH), 23,3% có trình độ trên ĐH và 91% có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị. Cán bộ chủ chốt xã, phường có tới 26,2% tốt nghiệp ĐH; 71,8% tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên. Nhưng hiện vẫn còn tình trạng hẫng hụt, chắp vá khi có nhu cầu sử dụng cán bộ (nhất là đối với các xã, thị trấn mới sáp nhập). Đơn cử, cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức kinh tế, chi ủy, trưởng thôn của xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên có 27 đồng chí thì 12 người trình độ văn hóa 7/10; 9 người có trình độ chuyên môn ĐH, trung cấp. Bí thư Đảng ủy xã Tạ Đình Quyền thừa nhận, Nam Triều khó đáp ứng được yêu cầu của Thành ủy, chưa kể tới "nguy cơ" thiếu cán bộ trẻ kế cận cho nhiệm kỳ tới, sau khi một số đồng chí nghỉ chế độ. Lý giải điều này, ông Quyền cho biết, "đầu vào" yếu, từ năm 2005 đến nay, xã chỉ được phân bổ 4 chỉ tiêu học trung cấp lý luận chính trị, quá ít so với yêu cầu.

Tình cảnh như xã Nam Triều không nhiều nhưng rất cần TP lưu tâm để giúp cơ sở giải quyết tận gốc vấn đề. Còn trước mắt, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp ủy chủ động trong công tác cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa 3 độ tuổi và xây dựng cơ cấu, sắp xếp, bố trí cán bộ khoa học phù hợp với cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP sẽ mạnh dạn đề bạt, bố trí cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đủ "độ chín" nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó là nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, nhất là ở cơ sở; phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, thích ứng với nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập quốc tế… Phấn đấu đến năm 2020 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có 30-35% trình độ trên ĐH; 20-25% cán bộ dưới 45 tuổi và 25-30% cán bộ nữ. Riêng cán bộ chủ chốt cấp xã 55% có trình độ ĐH, 100% trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái khẳng định, đây là sự đổi mới về tư duy, cách làm của Hà Nội trong công tác cán bộ. Sau khi hợp nhất, có sở lên tới 14 cán bộ lãnh đạo (gồm 1 trưởng, 13 phó), gặp nhiều khó khăn trong khâu điều hành, làm giảm động lực phát triển. Được Bộ Chính trị đồng ý, TP đã luân chuyển 2 đợt, gồm 40 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành về quận, huyện đảm trách cương vị phó bí thư, phó chủ tịch UBND. Đây cũng là dịp để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Công tác luân chuyển được thực hiện dân chủ, tập trung, dư luận hoan nghênh, là tiền đề để Hà Nội đưa công tác luân chuyển trở thành nền nếp; đồng thời có chính sách nhà ở nhằm động viên cán bộ điều động, luân chuyển ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, TP quan tâm thực hiện chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc để thay thế cán bộ năng lực kém, vi phạm kỷ luật, mất uy tín theo phương châm "có lên, có xuống, có vào, có ra"… Tất cả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, hiệu quả và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Theo http://hanoimoi.com.vn
Tìm kiếm