Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ làm việc với Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu cơ chế lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế.
Ý kiến trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu tại phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng diễn ra chiều 29/5, Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV. Phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Trà khẳng định, thành công trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 có sự đóng góp lớn, vai trò quan trọng quyết định là mô hình tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở và đội ngũ nhân viên y tế.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chiều 29/5.
Theo bà: "Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức, nhân sự và các mặt hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, điển hình nhất là sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn thực tiễn quản lý. Cùng với đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu". Để giải quyết tổng thể vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cần đặt việc giải quyết tổ chức, bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở trong tổng thể Nghị quyết 19, đồng thời cũng theo đúng định hướng, yêu cầu của Nghị quyết 20 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn với những vấn đề mới phát sinh để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp để giải quyết dứt điểm các vấn đề trên. Thứ nhất, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới. Bởi thời gian qua số lượng viên chức, công chức ngành y tế nghỉ việc chiếm 25% trong tổng số hơn 39.000 người Đặc biệt, hai Bộ sẽ đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ xây dựng mới, hoặc bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy. Đồng thời cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này. Các bộ ngành sẽ xem xét kỹ lưỡng mô hình tổ chức để đảm bảo các yêu cầu về mặt chính trị, xã hội, pháp lý cũng như thực tiễn, để thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân. Thứ hai, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu về cơ chế lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế cơ sở, dự phòng nói riêng. Việc này sẽ đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, "đảm bảo đúng quan điểm ngành Y là ngành đặc biệt do đó chính sách đãi ngộ cũng phải đặc biệt".
Đại biểu thảo luận tại hội trường chiều 29/5.
Bộ Nội vụ cũng sẽ bàn với Bộ Y tế về các chính sách thu hút y, bác sĩ làm việc ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo biên giới. Song song, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Bộ Tài chính để sửa một số nghị định tự chủ, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở. Thứ ba, Bộ Nội vụ sẽ xác định rõ định mức biên chế/số lượng việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế xã hội của các vùng miền, trong đó ưu tiên lực lượng y tế cơ sở đảm bảo nhu cầu thực tiễn, "đặc biệt không đặt vấn đề giảm biên chế với nhân sự y tế cơ sở". Thảo luận tại nghị trường nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần chính sách đãi ngộ đặc thù hơn cho y bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở. Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đánh giá, chính sách cho các y bác sĩ ở cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp… Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể về tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc. Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) kiến nghị Chính phủ, xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với y bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập, thay đổi, tăng mức phụ cấp trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời cần ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế, xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác. Đại biểu cũng mong tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay…