BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian vừa qua

09/08/2019 15:05

Chiều ngày 06/6, Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ trong thời gian vừa qua. 
Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết một số quy định mới về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Trong thời gian qua, việc áp dụng các quy định pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức có nhiều vấn đề bất cập, do đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, Nghị định số 161 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 03 Nghị định, đó là Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Nghị định này có nhiều điểm mới rất quan trọng, trong đó nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. 

Về tuyển dụng, áp dụng hai hình thức, đó là thi tuyển và xét tuyển. Nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện để tất cả mọi người tham dự thi bình đẳng và cũng khắc phục được tình trạng trong thời gian qua, đó là các Bộ, ngành, địa phương tự định ra các tiêu chuẩn trong việc thi tuyển công chức, viên chức. Ví dụ như bằng cấp phải là bằng chính quy hoặc phải tốt nghiệp trong các trường công lập… Nghị định này quy định không phân biệt bằng cấp và nơi đào tạo, để đảm bảo tính công bằng cho tất cả người dự thi.

Chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức. Trong những trường hợp đặc biệt, trước đây phải có sự thống nhất của Bộ Nội vụ thì Nghị định này quy định rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, đơn vị tuyển dụng trực tiếp tuyển dụng không cần xin ý kiến của Bộ Nội vụ.

Đối với những trường hợp trước đây đã là công chức nhưng sau đó được luân chuyển, điều động làm việc ở những nơi khác, nay được điều động trở lại cơ quan hành chính thì không phải thi lại.

Một điểm mới cũng rất quan trọng nữa là việc nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức đã được phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tổ chức thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính. Có thể nói, trong nhiều năm qua, nhiệm vụ này là của Bộ Nội vụ nhưng Nghị định này đã giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức thi và cũng đơn giản hóa trình tự, thủ tục thi như là tuyển dụng công chức, viên chức. Thực hiện thi theo 2 vòng: vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng thi trên máy; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.

Nói chung, Nghị định số 161 đã đổi mới rất nhiều nội dung, từ việc tuyển dụng đến thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các Bộ, ngành và địa phương.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý tại một số Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua? Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Để thực hiện chủ trương về vấn đề thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý theo Kết luận số 37 ngày 02/02/2009 của Hội nghị Trung ương 9 khóa X và Kết luận số 64 ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng và đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng và ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 hướng dẫn thực hiện Đề án này. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, đến nay có 09/14 Bộ, ngành và 13/22 địa phương đã tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, với tổng số 109 vị trí. Đối với những địa phương, Bộ, ngành khác không đăng ký thí điểm thì vẫn khuyến khích tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý trong phạm vị quản lý của mình. 

Đánh giá những mặt được, đó là đã tạo được sự công bằng, công khai, minh bạch; những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện như nhau thì đều có điều kiện dự thi. Thứ hai là khắc phục tình trạng khép kín công tác cán bộ  trong một cơ quan, đơn vị của mình. Thứ ba là tổ chức thi có thể chọn được người tài, họ có năng lực điều hành, quản lý tốt và tạo được sự công bằng đối với tất cả mọi người. 

Đến nay, hầu hết các chức danh trúng tuyển trong các đợt thi tuyển lãnh đạo, quản lý đã được bổ nhiệm và đã phát huy được sở trường của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, đó là qua thi tuyển, số đơn vị thí điểm tổ chức thi còn chậm và thậm chí những đơn vị không nằm trong danh sách thí điểm mà khuyến khích tổ chức thi cũng rất ít, chủ yếu tiến hành áp dụng các hình thức bổ nhiệm theo quy trình hiện hành. Thứ hai là một số ít các trường hợp thi có kết quả rất cao nhưng khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và tiếp cận với công việc mới, họ vẫn còn lúng túng, do đó, cần phải có thời gian để thực hiện.

Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và địa phương để tiến hành sơ kết hai năm thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý để Bộ Nội vụ có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả sau hai năm thực hiện Đề án này. Trên cơ sở đó, có thể nghiên cứu đổi mới, bổ sung phương pháp thí điểm hoặc nếu thí điểm đạt kết quả tốt thì xem đây là một trong những hình thức để chúng ta nghiên cứu, xem xét trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý sau này.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp để đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Như chúng ta đã biết, ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, trong đó quy định rõ về mục tiêu, quan điểm, nội dung và các giải pháp để thực thi công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. 

Để thực hiện Quyết định này, thứ nhất, Bộ Nội vụ đã tiến hành tổng kết các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vấn đề quản lý cán bộ, công chức cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ công vụ ở các cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian qua, để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. 

Thứ hai là tăng cường đẩy mạnh phân cấp, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức trong thẩm quyền quản lý của mình. 

Thứ ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2019, tất cả Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch UBDN cấp tỉnh phải tiến hành thanh tra, kiểm tra công vụ đạt 100%, đặc biệt là trong công tác cán bộ. Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ cũng tăng cường kiểm tra đối với các Bộ, ngành, địa phương với trách nhiệm là Tổ trưởng Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ tư là tổ chức và triển khai thực hiện Quyết định số 1847 đến tận cơ sở và những nội dung về văn hóa công sở cũng là những nội dung quan trọng, cần được đưa vào nội dung chính trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Giải pháp cuối cùng là thực hiện đồng bộ các mục tiêu về cải cách hành chính, trong đó, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, giảm bớt các thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu lực, hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, vì sao phải tiến hành tinh giản biên chế trong tình hình hiện nay?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương sắp xếp về tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ trong việc đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây là mục tiêu rất lớn.

Trong thời gian qua, với sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đã góp phần xây dựng một nền hành chính nhà nước để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức cũng chưa phù hợp với vị trí việc làm hiện nay. Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện tinh giản biên chế kết hợp với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề rất lớn được đặt ra. Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị cũng như chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế yêu cầu, từ nay đến năm 2021, phải thực hiện tinh giản tối thiểu 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 ở các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Trong hai năm thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ đã có những chương trình hành động cụ thể bằng Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để cụ thể hóa các Nghị quyết nêu trên.

Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56 của Quốc hội. Qua kết quả kiểm tra của Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ thì các địa phương đã làm rất khẩn trương và cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện cũng như chuẩn bị sắp xếp các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là vấn đề chỉ đạo rất sao của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, việc sắp xếp tổ chức các cơ quan bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực thực hiện theo tinh thần giảm đầu mối trung gian và kết hợp tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong thời gian vừa qua.

Tính đến năm 2019, khối quản lý nhà nước đã thực hiện tinh giản biên chế được 6,75% so với biên chế năm 2015. Tuy nhiên, khối sự nghiệp mới giảm được khoảng 3,5%, nếu so với chỉ tiêu thì tỷ lệ này còn thấp. 

Do đó, với những kết quả này để tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải nhìn lại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết và phải đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm trong các Chương trình thực hiện các Nghị quyết mà Chính phủ đã đề ra.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được như Bộ trưởng vừa nêu, thời gian qua có những khó khăn, vướng mắc gì trong việc thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Về những hạn chế sau hai năm thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đó là việc xây dựng thể chế để thực hiện các Nghị quyết của Đảng còn chậm. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng đang trông chờ các quy định của Chính phủ trong việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cũng như việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cũng còn chậm. Có thể nói, việc xây dựng thể chế, ban hành các quy định cụ thể để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 trong thời gian có phần chậm trễ. 

Thứ hai là đối với các Bộ, ngành, địa phương cũng chậm rà soát lại những chức năng, nhiệm vụ mà nhà nước không cần phải thực hiện mà có thể chuyển giao cho các đơn vị ngoài nhà nước thực hiện và xây dựng lộ trình để thực hiện xã hội hóa. 

Thứ ba là việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua cũng chậm.

Thứ tư là việc thực hiện tinh giản biên chế phải đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015, đến nay mới đạt được 5,7% (6,75% đối với cơ quan hành chính nhà nước và 3,5% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập), do đó, mục tiêu này cho đến năm 2021 là khó khăn.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, giải pháp sắp tới là các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần phải khẩn trương tổ chức triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập, kết hợp với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm.

Thứ hai, đây là trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước và được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá trong việc hoàn thành nhiệm vụ, xét đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra công vụ đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc. Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, thực hiện cho được chỉ tiêu về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Xin cám ơn Bộ trưởng!

Thanh Tuấn

Tìm kiếm