Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, về quy mô số hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố trung bình là 200-300 hộ gia đình ở vùng đồng bằng. Riêng ở khu vực miền núi, ở những nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, diện tích rộng, dân cư phân tán nên quy mô dân số nhỏ, nhiều thôn dưới 100 hộ gia đình, cá biệt có những nơi quy mô rất nhỏ thậm chí dưới 10 hộ gia đình. Trong khi đó ở khu vực miền Nam đa số thôn, ấp có quy mô từ 500 hộ dân trở lên. Ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...do tốc độ đô thị hóa cao nhưng vẫn giữ quy mô tổ dân phố như cũ nên số lượng tổ dân phố tăng nhanh, có nơi còn có mô hình trung gian giữa tổ dân phố và phường, thị trấn.
Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố rất lớn (trung bình mỗi thôn, tổ có khoảng 5 người hoạt động không chuyên trách).
Từ thực trạng nêu trên đã gây khó khăn lớn cho công tác quản lý, tổ chức của chính quyền cấp xã, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố đồng thời tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Từ đó đặt ra các vấn đề mới đối với công tác quản lý thôn, tổ dân phố trong đó có vấn đề về sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố.
Do vậy, chủ trương sáp nhập sắp xếp, sáp nhập các đơn vị dưới xã (thôn, tổ dân phố) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 là một chủ trương cần thiết trong bối cảnh hiện nay để giảm số lượng thôn, tổ dân phố, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý của chính quyền cấp xã và giảm chi ngân sách nhà nước.
Để triển khai thực hiện Nghị Quyết số 18-NQ/TW; Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện giảm số lượng thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BNV và Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Theo đó, đã quy định cụ thể về quy mô số hộ gia đình đối với các thôn, tổ dân phố theo vùng, miền phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư; đồng thời, quy định về việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn: “ Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình theo quy định thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; đối với các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập”.
Hiện nay, thực hiện quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng đề án sắp xếp thôn, tổ dân phố trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, kết quả đã giảm được số lượng lớn thôn, tổ dân phố trên địa bàn cả nước. Số liệu báo cáo sơ bộ hiện nay, số lượng thôn, tổ dân phố trên cả nước là khoảng 100.000 thôn, tổ dân phố giảm trên 30.000 thôn, tổ dân phố so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng đều đã thay đổi mô hình tổ chức thôn, tổ dân phố bỏ cấp trung gian, sắp xếp lại quy mô thôn, tổ dân phố theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV nên số lượng thôn, tổ dân phố giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số địa phương như: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam ... sau sắp xếp lại thôn, tổ dân phố cũng giảm trên 500 thôn, tổ dân phố; các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên…giảm từ 200-300 thôn, tổ dân phố sau sắp xếp.
Một số địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai xây dựng Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, do vậy, số thôn, tổ dân phố trên địa bàn cả nước sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và Bộ Nội vụ sẽ tiến hành thực hiện sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trong cả nước.
Về những khó khăn trong việc sáp nhập thôn, tổ dân phố ở đồng bằng và miền núi, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với thôn thuộc xã miền núi, do đặc điểm địa hình và phân bố dân cư nên quy mô thôn, tổ dân ở đây khác với các vùng trong cả nước. Ở khu vực miền núi nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, diện tích rộng, dân cư phân bố phân tán, do vậy quy mô thôn nhỏ, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, do vậy, việc sáp nhập các thôn ở xã miền núi cũng khó khăn hơn đối với các nơi khác, không thể tiến hành sáp nhập cơ học mà phải tính đến các yếu tố địa lý, địa hình; đồng thời, đảm bảo hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, thuận lợi cho sinh hoạt của người dân.
Giải quyết vướng mắc mang tính đặc thù khu vực miền núi, Thông tư số 14/2018/TT-BNV đã quy định quy mô số hộ gia đình ở khu vực miền núi thấp hơn so với vùng đồng bằng và quy mô trong việc sáp nhập cũng thấp hơn so với khu vực đồng bằng. Ngoài ra, trong các trường hợp cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương; các trường hợp đặc thù ở thôn hình thành do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, thôn nằm ở nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, thôn nằm biệt lập trên các đảo; thôn ở cù lao, cồn trên sông; thôn có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì quy mô thôn thấp hơn so quy định chung (có từ 50 hộ gia đình trở lên)…
Đối với thôn, tổ dân phố ở khu vực đồng bằng, do đặc điểm địa hình nên dân cư sống tập trung, quy mô thôn giữ ổn định, nhưng do tốc độ đô thị hóa cao nên số lượng tổ dân phố tăng nhanh. Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố có nhiều thuận lợi do điều kiện phát triển về hạ tầng cơ sở, dân cư tập trung nên khi quy mô tổ dân phố tăng nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh đối với các đô thị lớn hiện nay như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, do sự xuất hiện của các chung cư, khu đô thị lớn, dân cư tập trung đông trên một địa bàn tổ dân phố, gây khó khăn cho công tác sắp xếp tổ dân phố để bảo đảm hiệu quả hoạt động. Việc sáp nhập giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách nhưng khi quy mô tổ dân phố tăng cao thì cần phải có các biện pháp tổ chức và hoạt động tốt mới đảm bảo hiệu quả./.
Thanh Tuấn