Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, sau khi có Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18- NQ/TW; Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thì nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn có chức năng tương đồng. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/12/2018, Bộ Nội vụ có Công văn số 5954/BNV-TCBC đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP. Theo Bộ trưởng, việc này có làm chậm lại quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Để bảo đảm tính pháp lý của việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, tại cuộc họp Chính phủ ngày 03/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Trong khi Chính phủ chưa ban hành 02 Nghị định nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Đề án thì tiếp tục thực hiện. Đối với các địa phương (13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) thực hiện thí điểm sáp nhập 03 Văn phòng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân) thì tiếp tục thực hiện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn chủ động thực hiện việc sắp xếp các tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Việc sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được Ban Cán sự đảng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thảo luận tại nhiều cuộc họp và thống nhất ý kiến chỉ đạo cần được tổ chức thí điểm để đánh giá, tổng kết và đưa ra mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, tạm dừng việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để cân nhắc, lựa chọn cách thức thực hiện cho phù hợp là việc làm cần thiết trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Phóng viên: Hiện nay, các địa phương đang rất mong chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP để sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tinh gọn bộ máy và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng có thể cho biết khó khăn gì trong việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24 và 37?Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Cũng như lý do đã nêu ở trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, để tránh xáo trộn lớn, trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hiện nay Bộ Nội vụ đang tham mưu giúp Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị 02 nội dung liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh, cấp huyện, cụ thể:
Căn cứ vào mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy đến năm 2021 tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14 và các nội dung đã báo cáo Bộ Chính trị tại Tờ trình số 692-TTr/BCSĐCP, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP với nội dung cơ bản quy định: Về tiêu chí thành lập cơ quan, tổ chức; về khung biên chế để được thành lập tổ chức; về số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức. Theo đó, làm cơ sở giao quyền chủ động cho địa phương sắp xếp theo quy định khung của Chính phủ.
Về khung số lượng cơ quan chuyên môn: Tiếp tục thực hiện quy định về khung cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP.
Về thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn: Chính phủ ban hành riêng Nghị quyết thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn.
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành các Nghị định và Nghị quyết nêu trên.
Phóng viên: Để thống nhất tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, ngày 27/11/2019, Bộ Nội vụ có Công văn số 5898/BNV-TCBC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và gửi đăng ký về Bộ Nội vụ trước ngày 15/12/2019 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Đến nay, đã có bao nhiêu tỉnh, thành đăng ký thí điểm hợp nhất và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị những gì để hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo thống nhất, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Ngày 27/11/2019, Bộ Nội vụ có Văn bản số 5898/BNV-TCBC đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, thời hạn đăng ký trước ngày 15/12/2019. Tiếp theo, ngày 31/12/2019 Bộ Nội vụ có Văn bản số 6670/BNV-TCBC (lần 2) gửi các địa phương. Tính đến ngày 06/01/2020, có 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản về Bộ Nội vụ. Cụ thể:
Về đăng ký thí điểm ở cấp tỉnh: Đăng ký hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức, có 02 tỉnh Quảng Ninh và Yên Bái; Đăng ký hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra, có tỉnh Đăk Nông; Đăng ký hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng, có 02 tỉnh Đăk Nông và Yên Bái.
Trước đó, các tỉnh đã thực hiện: Hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng, có tỉnh Lào Cai; Hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông; hợp nhất Sở Khoa học công nghệ với Sở Giáo dục, có tỉnh Bạc Liêu; Hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ; hợp nhất Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra, có tỉnh Hà Giang.
Về đăng ký thí điểm ở cấp huyện: Đăng ký hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND, có tỉnh Ninh Bình đăng ký thực hiện tại 01 huyện của tỉnh; Đăng ký hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ, có tỉnh Tiền Giang đăng ký thực hiện tại 06 huyện; Đăng ký hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện, có tỉnh Tiền Giang đăng ký thực hiện tại 04 huyện.
Trước đó, các huyện đã thực hiện: Hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND, có 14 tỉnh thực hiện, gồm: An Giang, Điện Biên, Nam Định, Yên Bái, Hải Phòng, Trà Vinh, Hải Dương, Bình Phước, Hà Nam, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Yên, Thái Bình, Hà Giang, triển khai tại 35 huyện.
Hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ, có 06 tỉnh thực hiện, gồm: Quảng Ninh, Điện Biên, Nam Định, Yên Bái, Hải Phòng, Hà Giang, triển khai tại 32 huyện.
Hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện, có 04 tỉnh thực hiện, gồm: Quảng Ninh, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, triển khai tại 30 huyện.
Sáp nhập Phòng Dân tộc với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, có tỉnh Lạng Sơn và Sơn La, triển khai tại 04 huyện.
Sáp nhập Phòng Y tế với Văn phòng HĐND và UBND, có 04 tỉnh, gồm: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La, triển khai tại 14 huyện.
Sáp nhập Phòng Dân tộc với Văn phòng HĐND và UBND, có tỉnh Bắc Kạn và Quảng Ninh, triển khai tại 5 huyện.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong cả hệ thống chính trị nói chung và sắp xếp các sở, ngành nói riêng đều nhằm đạt mục tiêu của Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Việc đăng ký thí điểm của các địa phương để làm cơ sở cho việc Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tỷ lệ thí điểm hợp lý, có tính đến yếu tố vùng miền để sau thời gian thực hiện thí điểm sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá và đề xuất chính thức mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức thống nhất trong cả nước và theo đặc thù địa phương cho phù hợp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng nêu trên.
Phóng viên: Đối với những địa phương đã thực hiện hợp nhất cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện trước khi có văn bản đề nghị tạm dừng của Bộ Nội vụ thì các địa phương có đánh giá những mặt được, khó khăn và bài học kinh nghiệm rút ra sau khi tiến hành hợp nhất như thế nào, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Đối với những địa phương đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện trước khi có văn bản đề nghị tạm dừng của Bộ Nội vụ thì các địa phương chưa có báo cáo đánh giá; theo tinh thần chung, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất và trình Chính phủ tiếp tục cho các địa phương duy trì tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập theo quy định thí điểm và sẽ được đánh giá, tổng kết theo thời hạn quy định tại Nghị quyết thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn khi được Chính phủ ban hành.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, bên cạnh việc thí điểm sắp xếp, hợp nhất các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện thì Chính phủ có phương hướng sắp xếp, kiện toàn tổ chức các bộ, ngành?Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đang chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ, ngành theo hướng:
Tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch - đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…
Theo đó, trong năm 2020 Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng! Trước thềm năm mới, Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ kính chúc Bộ trưởng và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, lãnh đạo thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao!Thanh Tuấn