Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của ngày thành lập Bộ Nội vụ, ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Lịch sử xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức Nhà nước gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam, với quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước qua các giai đoạn lịch sử.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, làm nên cuộc cách mạng giải phóng kỳ diệu trong lịch sử của dân tộc ta. Trong những ngày tháng Tám sục sôi ấy, Bộ Nội vụ đã được thành lập trong cơ cấu Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng đầu tiên, thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng. Kể từ đó, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngay sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (02/9/1945), để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã bắt tay vào nghiên cứu xây dựng nhà nước cách mạng kiểu mới cũng như trực tiếp tổ chức thực hiện nhiều công việc cụ thể về tổ chức bộ máy Chính phủ, chế độ công chức công vụ, xây dựng chính quyền địa phương, bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, Chính phủ trước sự chống phá của kẻ thù.
Trong những năm kháng chiến, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện khó khăn, gian khổ nhưng tổ chức bộ máy của Bộ vẫn không ngừng được củng cố và phát triển. Đặc biệt, với việc ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 của Chính phủ quy định chế độ công chức mới đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước cách mạng. Theo đó, Bộ Nội vụ đã trực tiếp thực hiện nhiều công việc được giao và đặc biệt, lần đầu tiên ngành Tổ chức nhà nước đã tổ chức thành công đợt thi tuyển công chức mới cho bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân.
Để chuẩn bị cho một Nhà nước thống nhất, trên cơ sở những chức năng nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng, ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/CP về việc thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước trong điều kiện tình hình, nhiệm vụ mới.
Khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải cải cách bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ VI. Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 135/HĐBT ngày 07/5/1990 quy định tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức – Cán bộ của Chính phủ. Ngày 30/9/1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX đã quyết định Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang bộ. Ngày 09/11/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ, trong đó Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước; công chức, viên chức Nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về công tác xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong tình hình mới, ngày 05/8/2002, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11 quy định danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ, theo đó, Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ đổi tên thành Bộ Nội vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, ngày 08/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc chuyển Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.
Ngày 17/4/2008, chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu của Bộ Nội vụ, theo đó Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; cơ yếu; văn thư lưu trữ nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Sau khi Ban Cơ yếu Chính phủ chuyển về Bộ Quốc phòng, ngày 10/8/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Để tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, ngày 16/6/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và tại Nghị định này, Học viện Hành chính Quốc gia được chuyển từ Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về trực thuộc Bộ Nội vụ. Hiện nay, Bộ Nội vụ có 18 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 6 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý của Bộ.
Trải qua các giai đoạn phát triển kế tiếp nhau của lịch sử, dù có nhiều biến động về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ nhưng Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức Nhà nước vẫn không ngừng được xây dựng và phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và hoàn thành bộ máy nhà nước qua từng thời kỳ cách mạng của dân tộc. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước đối với đất nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước và Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày 28/8/ hàng năm làm “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước”.
Đánh giá cao những thành tích xuất sắc, những đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức Nhà nước được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các loại huân chương cao quý ghi nhận và biểu dương xứng đáng những thành tích xuất sắc trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển vừa qua. Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng luôn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức Nhà nước, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong thời gian tới.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì Bộ Nội vụ có ví trí, vai trò như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Để khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế thì ngày 10/8/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Với sự ra đời của Nghị định 61/2012/NĐ-CP thì vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ ngày càng được mở rộng, tăng cường; tổ chức bộ máy của Bộ không ngừng được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển mới về chức năng và nhiệm vụ - Bộ Nội vụ trở thành Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Để tiếp tục kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, ngày 16/6/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Theo Nghị định 58/2014/NĐ-CP, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Nghị định số 58/2014/NĐ-CP đã kế thừa quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Nội vụ theo Nghị định số 61/2012/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao hoặc điều chỉnh theo các văn bản mới được ban hành sau Nghị định số 61/2012/NĐ-CP. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ mới và nhiệm vụ được mở rộng, tăng cường thì tổ chức bộ máy của các cơ quan trong Bộ, ngành Nội vụ cũng từng bước được kiện toàn, củng cố theo hướng chuyên môn hóa đối với từng lĩnh vực, đảm bảo các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính.
Nghị định 58/2014/NĐ-CP đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng cải cách hành chính, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách pháp luật. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ đã được rà soát và quy định rõ ràng, cụ thể, không bỏ sót và không chồng chéo với các bộ, ngành khác. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong các lĩnh vực của Bộ được phân định rõ ràng, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước về các lĩnh vực mà Bộ được giao quản lý với 28 nhiệm vụ cụ thể.
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao trong tình hình mới hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ không ngừng được kiện toàn, củng cố và nâng cấp một số đơn vị thuộc Bộ. Theo đó cơ cấu, tổ chức của Bộ Nội vụ có 24 đơn vị trong đó có 18 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 6 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ[i]. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ, đã hình thành một số cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực để phù hợp với việc tổ chức Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, giải quyết tốt hơn vấn đề phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng trong quản lý các chuyên ngành, lĩnh vực cũng như thực hiện quản lý chuyên sâu, ổn định đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ đã thể chế hóa việc phân cấp thẩm quyền giữa thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc với Bộ theo hướng quy định rõ nhiệm vụ do thủ trưởng đơn vị quyết định, nhiệm vụ thủ trưởng đơn vị tham mưu, trình Bộ trưởng xem xét, giải quyết. Đồng thời, về phương thức và lề lối làm việc có nhiều tiến bộ hơn, mở rộng dân chủ, phân cấp quản lý được đẩy mạnh, đi đôi với việc tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện. Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Nội vụ tiếp tục được bổ sung và nâng cao chất lượng để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc bổ nhiệm, điều động, bố trí sắp xếp cán bộ trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, nhất là các đơn vị mới được thành lập và nâng cấp; đối với việc kiện toàn tổ chức các phòng trực thuộc các đơn vị trong Bộ luôn giữ được ổn định, đoàn kết nội bộ.
Có thể nói rằng, Nghị định số 58/2014/NĐ-CP đã đánh dấu sự phát triển và tiếp tục khẳng định rõ vị thế, vai trò của Bộ, ngành Nội vụ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế, song cũng đặt ra những yêu cầu mới với khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất và mức độ ngày càng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, khẩn trương về tiến độ giải quyết công việc để đáp ứng được yêu cầu phát triển của Bộ, ngành Nội vụ trong giai đoạn mới.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, một số nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Trong những năm qua, Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ và ngành Nội vụ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối; đổi mới phương pháp làm việc; nỗ lực, cố gắng để triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, về cải cách hành chính nhà nước: Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đảm bảo bộ máy công vụ hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Hoàn thiện nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động và hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu quả. Tập trung cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh, quy định rõ thẩm quyền một cơ quan xử lý và chịu trách nhiệm đối với từng thủ tục hành chính. Bảo đảm nguyên tắc chỉ duy trì và ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất. Tăng cường công tác công khai minh bạch các quy trình thủ tục hành chính. Thiết lập hệ thống thông tin, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy nhanh việc áp dụng Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ hai, về cải cách chế độ công vụ, công chức: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó đẩy nhanh việc xác định vị trí việc làm. Hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức, viên chức. Đổi mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác thi tuyển, thi nâng ngạch, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó và chức danh “hàm”.
Thứ ba, về tổ chức bộ máy và biên chế: Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách để triển khai quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nội vụ một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, tiến hành xây dựng và triển khai các quy định về đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Thứ tư, về tổ chức chính quyền địa phương: Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính quyền các cấp. Nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính.
Thứ năm, về chính sách tiền lương: Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào thời điểm thích hợp.
Thứ sáu, về công tác tôn giáo: tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý trong lĩnh vực Tôn giáo; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, bảo đảm cho đồng bào các tôn giáo đoàn kết, gắn bó, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ bảy, về công tác thi đua khen thưởng: Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; triển khai thực hiện Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi năm 2013) và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thi đua – Khen thưởng và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước chào mừng các ngày lễ lớn và chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp và tham mưu với Đảng, Nhà nước tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; hoàn thành việc giải quyết kịp thời khen thưởng thành tích kháng chiến và truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Thứ tám, về công tác văn thư lưu trữ: nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ. Nâng cao hiệu quả của công tác văn thư, lưu trữ trong việc điều hành, quản lý hành chính, xây dựng chế độ chính sách và nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tập trung làm tốt công tác hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ về thu thập, bổ sung, chỉnh lý, bảo quản an toàn và tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia. Tuyên truyền, phổ biến Luật Lưu trữ, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ. Thực hiện tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị lưu trữ thực hiện công tác bảo mật tài liệu lưu trữ, đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn, an ninh thông tin.
Thứ chín, các nhiệm vụ khác: Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ; về thanh niên và công tác thanh niên; về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; công tác dân vận, dân chủ; tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nội vụ đến năm 2020. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; nghiên cứu, lựa chọn những cơ sở đào tạo có uy tín để mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Nội vụ. Tăng cường và đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ, đặc biệt trong lĩnh vực tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế được giao, quản lý số lượng cấp phó… chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh có hiệu quả với mọi hành vi tham nhũng, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo.
Thứ mười, đối với các Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Nội vụ các địa phương: Phối hợp với Bộ Nội vụ tham gia hoàn thiện các dự án Luật, tập trung xác định vị trí việc làm và các danh mục vị trí việc làm, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý biên chế, chính sách tinh giản biên chế; tiếp tục triển khai kế hoạch cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại gắn với rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện hành, loại bỏ những thủ tục không hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Tiếp tục thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Nội vụ đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý góp phần thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
[i] Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ