Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Trần Thị Hà; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ, Văn phòng Đảng ủy Bộ, người đứng đầu các đoàn thể của Bộ; chuyên viên cao cấp và tương đương trở lên; người đứng đầu các đơn vị cấu thành các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; chuyên viên chính và tương đương trở lên ở các đơn vị thuộc Bộ; thư ký lãnh đạo Bộ và công chức tổng hợp thuộc Văn phòng Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân bày tỏ lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ cùng các công chức, viên chức, người lao động trong Bộ và trong toàn ngành Nội vụ đã ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Bộ trưởng hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đó là công việc rất quan trọng mà không một cá nhân nào có thể làm được nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của tập thể. Tuy nhiên, hơn một năm công tác tại Bộ và gần tròn một năm trên cương vị Bộ trưởng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh đây là buổi gặp mặt đầu tiên với tính chất tọa đàm để trao đổi thẳng thắn giữa Lãnh đạo Bộ và các cán bộ chủ chốt đối với những vấn đề về quan điểm, nhận thức, phương thức làm việc, về mối quan hệ hành chính giữa các cấp lãnh đạo, giữa lãnh đạo và chuyên viên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Cán bộ chủ chốt
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, về công tác tổ chức: Làm cách nào xây dựng được tổ chức mạnh; Cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ thế nào là hợp lý; Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành Nội vụ; Trách nhiệm của từng thành viên trong mỗi đơn vị; Sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi đơn vị.
Thứ hai, về thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao: Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và ngành Nội vụ; Vấn đề đùn đẩy trách nhiệm trong Bộ; Vấn đề phân cấp, ủy quyền, thi nâng ngạch công chức; Vấn đề phân cấp quản lý cán bộ; Vấn đề tinh giản biên chế trong Bộ.
Thứ ba, về các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý: Làm thế nào để quản lý tốt; Làm thế nào để xây dựng thể chế, ban hành chính sách đảm bảo được 4 lợi ích - đó là lợi ích nhà nước, lợi ích tổ chức, lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Thứ tư, về các giải pháp để ban hành được chính sách sát với thực tiễn: Tại sao một số văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao mà hiệu quả lại thấp; Sự cần thiết của tư duy đột phá trong xây dựng hành lang pháp lý mở và công tác tham mưu ban hành các chính sách phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và các Thứ trưởng lắng nghe ý kiến phát biểu
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực phát biểu, chủ động thảo luận, có thể trực tiếp tranh luận với lãnh đạo Bộ để làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp trên nguyên tắc tất cả đều thắng, qua đó thống nhất nhận thức, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà thẳng thắn góp ý về một số tồn tại
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu của một số lãnh đạo đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, lãnh đạo một số đơn vị cấu thành đơn vị trực thuộc Bộ được trình bày với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm, vì lợi ích chung và bày tỏ sự phấn khởi trước tinh thần cải cách, cởi mở, đổi mới đang diễn ra tại Bộ Nội vụ trong một năm trở lại đây.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu ý kiến
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng mạnh dạn so sánh Hội nghị Cán bộ chủ chốt lần này như “Hội nghị Diên Hồng” của Bộ Nội vụ, khi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân kêu gọi mọi người thật lòng, cởi mở đóng góp các ý tưởng quản lý với mục đích duy nhất để Bộ Nội vụ đáp ứng tốt hơn chức trách tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh, tư duy cải cách, đổi mới, sáng tạo chính là mong muốn từ lâu của nhiều công chức, viên chức trong Bộ, đồng thời cho rằng, nếu không khí này được tạo ra, duy trì và phát triển, chắc chắn thời gian tới Bộ sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Trưởng phòng Trị sự-Tổng hợp của Tạp chí Tổ chức nhà nước Hà Kế Bính phát biểu
Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế của Học viện Hành chính Quốc gia Phạm Thị Quỳnh Hoa phát biểu
Sau khi nghe ý kiến của 9 đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trực tiếp trả lời, giải đáp và bày tỏ quan điểm của Bộ trưởng trước Hội nghị đối với nhiều nhóm vấn đề đang tồn tại ở Bộ, trong đó có một số vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm trước nhưng chưa có giải pháp, hướng đi hiệu quả.
Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia Bùi Huy Tùng tham gia ý kiến
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến nêu ra trước Hội nghị rất phong phú, đa dạng, thẳng thắn, bước đầu phản ánh về một số cơ chế, công tác điều hành chưa hợp lý, cung cấp cho Bộ trưởng thông tin về một số vấn đề đã tồn tại qua nhiều năm ở Bộ.
Quang cảnh Hội nghị
Trong khuôn khổ giới hạn về thời gian của Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu có ý kiến, sáng kiến cải cách tiếp tục gửi đến lãnh đạo Bộ. Bên cạnh niềm vui trước những ý kiến đồng thuận cao, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến phản biện, bao gồm cả ý kiến trái chiều, đối với mọi mặt công tác của Bộ để có thể mổ xẻ, phân tích những vấn đề khó, vấn đề mới trên nguyên tắc chúng ta không bằng lòng với cái hiện tại và không nên hoan nghênh thành tích của chính mình.
Trước nguyện vọng của các đại biểu dự Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định sẽ cố gắng sắp xếp thời gian gặp mặt các cán bộ chủ chốt của Bộ mỗi quý một lần trong năm 2017.
Nam Phong