BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bế mạc trọng thể Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

28/11/2011 08:28

Sáng 26/11, các đại biểu đã họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII tại hội trường sau 29 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao.

kỳ họp thứ hai, quốc hội khóa xiii đã thành công tốt đẹp
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tới dự còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các bậc lão thành cách mạng, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế.

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung thảo luận, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 và kế hoạch kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011. Với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan, toàn diện những thuận lợi, khó khăn, những thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xác định mục tiêu của năm 2012 và trong thời gian tới là: Tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và một số quyết định quan trọng khác.

Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 dự án luật; thảo luận, cho ý kiến về 13 dự án luật khác; tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; tiến hành chất vấn 4 vị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với sự tham gia giải trình của một số Phó Thủ tướng và Bộ trưởng khác về các vấn đề liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề lớn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn; Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phát huy những kết quả đạt được, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua; đề cao trách nhiệm trước nhân dân trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2011-2012, tạo đà cho việc hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát; tổ chức có hiệu quả hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoạt động báo cáo giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, tiến tới thí điểm tổ chức chất vấn tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương báo cáo kết quả kỳ họp, đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát chặt chẽ việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Trước đó, dưới sự điều khiển của các Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cơ yếu với 91,80% số đại biểu Quốc hội tán thành. Luật Cơ yếu có 5 chương với 38 điều. Luật này quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với 92,40% đại biểu tán thành. Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công việc nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của năm 2011, tạo đà cho việc triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã xác định cho năm 2012 và những năm sau; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức một con số; triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt để nền kinh tế không rơi vào tình trạng trì trệ, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển.

Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề với 94,2% đại biểu tán thành.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII với 94% đại biểu tán thành. Như vậy, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, 06 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án luật, 03 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị. Có 3 dự án luật được rút khỏi Chương trình là: Luật nhà văn, Luật bảo vệ quyền riêng tư, Luật bảo vệ sức khỏe tâm thần vì phạm vi điều chỉnh, chính sách, nội dung cơ bản chưa được làm rõ./.

Theo http://www.dangcongsan.vn
Tìm kiếm