BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2015

14/04/2016 09:33

Ngày 12-4-2016, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2015.

Quang cảnh buổi công bố Báo cáo


Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành trong cả nước, các chuyên gia trong nước và quốc tế. GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam chủ trì buổi công bố Báo cáo Chỉ số PAPI 2015.

PAPI là công cụ theo dõi việc thực thi chính sách, phản ánh sự đánh giá của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Báo cáo chỉ số PAPI 2015 giới thiệu kết quả khảo sát PAPI trên phạm vi toàn quốc, dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp 13.955 người dân được lựa chọn theo tiêu chuẩn lấy mẫu hiện đại quốc tế (xác suất quy mô dân số các đơn vị hành chính đến cấp thôn và lấy mẫu ngẫu nhiên người trả lời).

Phát hiện từ Chỉ số PAPI được xem như những thông tin tham khảo hữu ích về những việc mà các cấp chính quyền địa phương đã làm được hoặc chưa thành công từ đó có những phương hướng, biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cung ứng dịch vụ công của mình.

Báo cáo tập trung vào 6 chỉ số nội dung chủ yếu là: 1- Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; 2- Vấn đề công khai minh bạch; 3- Trách nhiệm giải trình với người dân; 4- Kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; 5- Thủ tục hành chính công; 6- Cung ứng dịch vụ công.

Trên 6 chỉ số nội dung này, Báo cáo PAPI 2015 phác họa một bức tranh tổng quát sau: Nội dung 1: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Năm 2015, các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất chủ yếu tập trung ở vùng Đông Bắc và Bắc Trung bộ. Đạt điểm thấp nhất chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố vùng biên giới phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Cải thiện nhiều nhất ở 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Thuận và Thái Bình (tăng ít nhất 8,5%). Các tỉnh giảm điểm nhiều nhất gồm Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu và Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm ít nhất 26%).

Nội dung 2: Công khai, minh bạch. Năm 2015, các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất chủ yếu tập trung ở phía Bắc và Bắc Trung bộ, đạt điểm thấp nhất chủ yếu tập trung ở vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Về thu chi ngân sách xã/phường, khoảng 26,5% trong số 13.995 người được hỏi trên toàn quốc cho biết họ đã đọc bảng kê thu, chi ngân sách xã/phường. Trong số đó có khoảng 64% tin vào độ chính xác của thông tin. Về kế hoạch sử dụng đất, năm 2015 chỉ có 12% số người được hỏi trên toàn quốc biết đến kế hoạch sử dụng đất. Trong số đó, chỉ có khoảng 3% có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến với kế hoạch sử dụng đất.

Nội dung 3: Trách nhiệm giải trình với người dân. Năm 2015, các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm thấp nhất tập trung ở vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Năm 2015, gần 20% số người được hỏi cho biết đã liên hệ với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và khoảng 14% liên hệ với cán bộ cấp xã /phường khi có khúc mắc hoặc cần sự can thiệp của chính quyền, cao hơn không đáng kể so với trước.

Nội dung 4: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Năm 2015, các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất chủ yếu tập trung ở miền Trung và phía Nam. Trong số 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất, có 11 tỉnh ở phía Nam và 4 tỉnh miền Trung. Các tỉnh/thành phố đạt điểm thấp nhất chủ yếu tập trung ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ người dân cho rằng cán bộ dùng tiền công quỹ cho mục đích riêng cũng tăng trong năm 2015.

Nội dung 5: Thủ tục hành chính công. Năm 2015 các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất nằm rải rác ở các vùng miền. Các tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm thấp nhất chủ yếu tập trung ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hơn 2/3 trong số 63 tỉnh/thành phố hầu như không có sự chuyển biến nào sau 5 năm. Trong đó điểm số của Đắc Nông và Kon Tum giảm nhiều nhất (ít nhất 10%). Nguyên nhân chính dẫn đến mức độ chưa hài lòng của người dân là năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức. Bên cạnh đó, việc không trả kết quả đúng lịch hẹn và thủ tục còn rườm rà khiến người sử dụng dịch vụ chưa hài lòng.

Nội dung 6: Cung ứng dịch vụ công. Các tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất chủ yếu tập trung ở phía Nam. Các tỉnh/thành phố đạt điểm thấp nhất chủ yếu tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Một nửa số tỉnh/thành phố hầu như không có dịch chuyển nào sau 5 năm. Năm 2015, gần 16% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết họ là nạn nhân của một trong những loại hình tội phạm về an ninh, trật tự khu dân cư, tăng 2% so với năm 2014. Tuy nhiên, điểm trung bình toàn quốc về chỉ tiêu an toàn ở khu dân cư ổn định ở mức trung bình qua 5 năm.

Báo cáo PAPI năm 2015 cũng đề cập đến việc tham gia bầu cử của người dân ở cấp cơ sở. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố như giới tính, thành phần dân tộc, thành viên tổ chức đoàn thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự tham gia của người dân. Phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người có trình độ học vấn thấp và người không phải là thành viên của tổ chức đảng, đoàn thể ít tham gia bầu cử hơn. Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân sắp tới, để huy động sự tham gia của mọi đối tượng dân cư, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin với người dân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để người dân chủ động tham gia thực hiện quyền bầu cử của mình./.

Theo: tapchicongsan.org.vn

Tìm kiếm