BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Xây dựng Trường Sa ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông

14/04/2010 10:05

Quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà) cùng các đoàn đại biểu từ đất liền, ngày 10-4, đã long trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 – 29-4-2010), tại đảo Nam Yết.

 

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng quần đảo Trường Sa

Cách đây 35 năm, trong khí thế hào hùng của chiến thắng mùa xuân năm 1975 trên các mặt trận Huế, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Khánh Hoà…, chấp hành Chỉ thị của Trung ương với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ phối hợp cùng lực lượng Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.  
 
Từ thắng lợi đầu tiên giải phóng Song Tử Tây, sau một chuỗi chiến thắng ở các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đến 9 giờ ngày 29-4-1975 quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã thể hiện rõ ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
 
 
Từ ngày giải phóng đến nay, quân dân huyện đảo Trường Sa đã kiên trì vượt khó, đoàn kết một lòng, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Với mục tiêu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, bằng những giọt mồ hôi mặn nồng, bằng trí tuệ và sự hy sinh quên mình, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng an ninh.  

Cuộc sống của quân và dân huyện đảo không ngừng được nâng cao. Diện mạo của huyện đảo Trường Sa đổi thay từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn với các công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như sân bay, âu tàu, cầu cảng, trạm hải đăng, đài khí tượng thuỷ văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện gió… Ngoài ra các công trình nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà khách Thủ đô, chùa Trường Sa, chùa Song Từ, Sinh Tồn … cũng trở thành nơi giao lưu, sinh hoạt văn hoá tinh thần, giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc cho quân và dân huyện đảo. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị biểu dương những thành tích vượt bậc của quân dân huyện đảo Trường Sa đã giành được trong 35 năm qua. Thượng tướng Bùi Văn Huấn nhấn mạnh: Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa cần quán triệt sâu sắc hơn nữa về vị trí chiến lược của quần đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tranh thủ thời gian xây dựng đơn vị, nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.  

Thượng tướng Bùi Văn Huấn yêu cầu quân và dân huyện đảo Trường Sa cần xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”. Đồng chí Bùi Văn Huấn cũng căn dặn các cán bộ chiến sĩ trên đảo tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Khánh Hoà, tích cực giúp đỡ nhân dân các xã, thị trấn trên huyện đảo Trường Sa phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, thường xuyên quan tâm chăm sóc, giáo dục các cháu thiếu niên nhi đồng- những chủ nhân tương lai tạo nên sức sống mới trên quần đảo thân yêu của Tổ quốc. 

Tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa tại đảo Nam Yết còn có Đoàn đại biểu của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 12, cùng đại diện nhiều ban, ngành Trung ương trong và ngoài quân đội.
 
Một số thông tin về Đảo Nam Yết
Đảo Nam Yết có hình bầu dục bề ngang theo hướng đông tây. Đây là một đảo nổi có diện tích lớn thứ hai trên quần đảo Trường sa. Với chất đất tốt, trên đảo Nam Yết có thể trồng được nhiều loại cây như phong ba, mù u, bàng vuông. Ngoài ra có thể trồng xoài, đu đủ, dừa và những cây thích nghi với khí hâu nơi đây, trong đó cây nhàu, một cây thuốc quý hay còn gọi là cà phê dại. 
 
Cách đây hơn 30 năm trong chiến dịch nổi dậy mùa xuân 1975, sau chiến thắng vang dội của ta ở mặt trận Huế, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Khánh Hoà và một số tỉnh khác. Thực hiện mệnh lệnh của hải quân, một bộ phận hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến công ra đảo Trường Sa. Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ trên đảo Trường Sa bị đe dọa nghiêm trọng. Đảo Nam Yết mặc dù là trung tâm của địch ở đảo Trường Sa nhưng vẫn không thể kháng cự được trước sự tấn công như vũ bão của quân giải phóng, buộc địch phải rút chạy trước thời cơ lực lượng của ta nhanh chóng tiến công giải phóng đảo. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Lá cờ đỏ sao vàng đã phần phật tung bay trước gió trong nắng gió. 
 
Từ đó đến nay lớp lớp cán bộ chiến sĩ của đảo Nam Yết luôn phát huy truyền thống của Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau đồng cam cộng khổ, một lòng khắc phục khó khăn cùng nhau bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước.

Hiện nay, các công trình quốc phòng và dân sinh được xây dựng trên đảo khá vững chắc. Công trình tường chắn sóng được xây dựng quanh đảo có cầu cảng, có nhà ở bảo đảm nơi ăn chốn ở cho cán bộ chiến sĩ. Trên đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và phưong tiện phục vụ cho đời sống bộ đội. Đảo tuy không có nước ngọt nhưng lại có rất nhiều cây cối xanh tươi, khắc phục được sự thiếu thốn rau xanh và một phần thực phẩm.
 
Năm 2009 cán bộ chiến sĩ đảo Nam Yết đã thu được 9066 kg rau xanh, 1765 kg cá các loại, 2494kg thịt gia súc gia cầm, tổng giá trị ước đạt 150 triệu đồng.
 
Nam Yết được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường của quần đảo Trường sa. Đảo đã có sân bóng chuyền, bãi thể thao và đàn gia súc béo mập.
 
Hơn 30 năm xây dựng chiến đấu và trường thành, lớp lớp cán bộ chiến sĩ của đảo Nam Yết đã góp phần tô thắm truyền thống quý báu. Từ đó đến nay Đảo đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen do Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng, quân chủng hải quân… trao tặng. Đặc biệt, ngày 22-12-2004 Đảo đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Năm 2010, Đảo đang hướng tới mục tiêu mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống và sạch về cảnh quan môi trường, xứng đáng với lòng mong mỏi, tin yêu của nhân dân cả nước. 
 
 

Theo http://www.nhandan.com.vn
Tìm kiếm