Bài dự thi: Câu chuyện chung sức xây dựng nông thôn mới ở vùng cao biên giới

22/10/2018 15:30
  • Print
  • Lượt xem: 5380

TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI

“BÁO CHÍ VIẾT VỀ NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP" GIAI ĐOẠN 2017-2020

Tác giả: Phạm Thế Anh, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa​

Mô hình lúa cho năng suất cao ở thôn Vịn do xã Ngọc Phụng hỗ trợ

Xã đầu tiên thuộc huyện nghèo 30a đạt chuẩn Nông thôn mới

Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, cơ cấu nông nghiệp chiếm trên 70%, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 5,9 triệu đồng/năm, hộ nghèo ở mức 22,6%, theo rà soát, đánh giá Ngọc Phụng mới đạt 5/19 tiêu chí nông thôn mới. Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cách làm sáng tạo, hiệu quả và bước đi phù hợp, xã Ngọc Phụng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Phấn khởi với kết quả đạt được, ông Lê Xuân Đấu, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Ngọc Phụng, cho chúng tôi biết: Bí quyết để có được kết quả bước đầu quan trọng như vậy thì sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân là yếu tố quyết định.Trong quá trình triển khai thực hiện, xã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với các mô hình phát triển sản xuất điểm, hỗ trợ các hộ làm hầm biogas, hỗ trợ các thôn làm đường giao thông, nhà văn hóa,... Bên cạnh đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể chung sức xây dựng nông thôn mới như: Hội Nông dân thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đổi điền, dồn thửa, hiến đất, cải tạo vườn tạp; Đoàn Thanh niên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; Hội Phụ nữ tham gia công tác dạy nghề, lập các tổ liên gia hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; Hội Cựu chiến binh, Công an bảo đảm việc giải phóng hành lang các tuyến đường, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội,... Trong 5 năm thực hiện, Ngọc Phụng huy động được trên 140 tỷ đồng, từ nguồn vốn này, đã bê tông hóa trên 39km đường giao thông nông thôn; cứng hóa gần 15km đường giao thông nội đồng; kiên cố hóa 15km kênh mương; xây mới 2 trạm biến áp và 3,5km đường dây điện hạ thế; xây mới và cải tạo hàng trăm nhà ở dân cư,...

Xác định, đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là kết quả bước đầu, nên Ngọc Phụng vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt tốp đầu huyện Thường Xuân. Đáng chú ý, năm 2017 xã Ngọc Phụng vinh dự được Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh lựa chọn là 1 trong 3 địa phương của tỉnh xây dựng thí điểm mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Ngọc phụng đã phối hợp cùng Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức cho 50 người là thành viên Ban chỉ đạo xã và Ban phát triển thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tại Hà Tĩnh. Hiện nay, các thôn đang tiến hành thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu trong năm 2017 sẽ có 01 thôn, là thôn đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Câu chuyện đỡ đầu thôn đặc biệt khó vùng cao biên giới

Chúng tôi lên thăm thôn Vịn vào những ngày đầu tháng 10/2017, được chứng kiến những khó khăn vất vả của nhân dân nơi đây. Là thôn đặc biệt khó khăn của xã Bát Mọt, nằm ở biên giới Việt-Lào, cách trung tâm huyện hơn 100km, toàn thôn có 165 hộ thì có tới 92 hộ thuộc diện nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 9 triệu đồng/năm và chưa có sóng điện thoại.
Đường từ trung tâm xã Bát Mọt lên thôn Vịn 

Vẫn thấy băn khoăn về việc đỡ đầu thôn Vịn xây dựng nông thôn mới, tôi hỏi ông Lê Xuân Đấu: “Xuất phát từ lý do gì mà nhân dân và cán bộ xã Ngọc Phụng có nghĩa cử cao đẹp như vậy? Sao không lựa chọn một thôn ở gần, mà lại chọn một thôn vừa xa, vừa khó khăn để đỡ đầu?”. Ông Lê Xuân Đấu trả lời: “Ngọc Phụng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ngoài sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân và cán bộ trong xã, còn có sự giúp đỡ rất lớn về vật chất, tinh thần của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và con em xa quê. Để cảm ơn những tình cảm quý báu đó, nhân dân và cán bộ xã Ngọc Phụng ngoài việc quyết tâm làm tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương, chúng tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ địa phương có điều kiện khó khăn hơn xây dựng nông thôn mới, đó cũng là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc giúp đỡ ở gần hay ở xa thì xã không thể dùng tiền ngân sách ra để giúp đỡ, quan trọng là tinh thần trách nhiệm cùng một phần vật chất để xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng. Đây là thôn biên giới, xây dựng thành công nông thôn mới ở đây sẽ góp phần giữ vững biên cương của Tổ quốc. Với tinh thần đó, Đảng bộ, nhân dân xã Ngọc Phụng rất đồng tình, nhất trí cao, Đảng ủy xã đã trình, xin ý kiến Ban Thường vụ huyện Thường Xuân để đứng ra đỡ đầu thôn Vịn xây dựng nông thôn mới và được chấp thuận”.

Thế rồi, nói là làm, trong 2 ngày (12-13/8/2016), Đoàn công tác xã Ngọc Phụng gồm đại diện Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng đại diện lãnh đạo xã Bát Mọt lên thăm và làm việc với thôn Vịn. Tại đây, đoàn đã tặng quà cho các hộ nghèo, hộ chính sách, khảo sát toàn bộ các tuyến đường giao thông, thăm trường học, thăm khu sản xuất và dự Hội nghị chi bộ thôn mở rộng,... Sau đó, tháng 12/2016, buổi lễ phát động chung sức xây dựng nông thôn mới giữa xã Ngọc Phụng với thôn Vịn đã diễn ra long trọng, trong không khí ấm cúng, nghĩa tình, đoàn kết, có sự hiện diện của lãnh đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Thường Xuân, xã Bát Mọt và nhân dân thôn Vịn. 

Thực hiện công việc đỡ đầu, xã Ngọc Phụng đã tặng cán bộ và nhân dân thôn Vịn bục phát biểu, tượng Bác Hồ, Quốc kỳ, giá sách và 200 đầu sách, băng rôn tuyên truyền, 01 bàn bóng bàn, 01 bộ lưới bóng chuyền. Tặng 20 suất quà, mỗi suất trị giá 400.000đ cho các hộ chính sách, hộ nghèo nhân dịp tết Đinh Dậu. Hỗ trợ 150 khay mạ cấy thí điểm vụ Xuân năm 2017. Hỗ trợ san lấp, giải phóng mặt bằng, hành lang hơn 2,7km đường giao thông nông thôn rộng từ 2m lên 8m, đào rãnh thoát nước mặt đường. Ngoài ra, các đoàn thể của xã đã phối hợp với xã Bát Mọt tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Vịn phát triển sản xuất, cải tạo vườn tạp, nuôi, trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao; xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng các công trình vệ sinh, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách xa khu dân cư, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường ,…

Đến nay, thôn Vịn không còn những phong tục, tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt, đã có nhà văn hóa, có giá sách, tủ sách, có sân bóng chuyền, loa đài,... phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, có khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, có cánh đồng lúa cho năng suất cao, có những con đường rộng rãi, sạch đẹp.

Ông Lang Hồng Tuyên, Bí thư chi bộ thôn Vịn xúc động cho biết: Xã Ngọc Phụng tốt lắm, đã vượt đường sá xa xôi lên đây động viên, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi xây dựng nông thôn mới, tuy về vật chất không nhiều nhưng đây là một nghĩa cử rất cao đẹp. Chúng tôi phải cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, sớm đạt chuẩn nông thôn mới để không phụ lòng họ.

Với cách làm, tình cảm, trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của xã Ngọc Phụng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước đó là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân,... Do đó, cách làm này cần biểu dương, hoan nghênh và được nhân rộng để trong thời gian tới có thêm nhiều xã nghèo, thôn nghèo ở vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.