Bắc Kạn: Phát triển mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch

28/12/2020 15:35
  • Print
  • Lượt xem: 6303

Tỉnh Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc. Tỉnh Bắc Kạn có 08 đơn vị hành chính, bao gồm một thành phố và 7 huyện, có diện tích đất tự nhiên là 485.996ha, trong đó 459.390ha đất nông, lâm nghiệp, 19.340ha đất phi nông nghiệp và 7.265ha đất chưa sử dụng.

Vườn cây ăn quả tại thôn Nà Đinh, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Nguồn: backan.gov.vn

Tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (Chương trình OCOP) bắt đầu từ năm 2016, tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm tỉnh bạn, tuyên truyền, phổ biến khảo sát xây dựng đề án. Đến năm 2018, bắt đầu thực hiện xây dựng sản phẩm. Sau gần 02 năm triển khai thực hiện, tổng kết năm 2018 có 32 tổ chức kinh tế tham gia với 45 sản phẩm, trong đó có 37 sản phẩm được đánh giá từ 3 sao trở lên (32 ba sao, 05 bốn sao). Nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định, đưa ra được thị trường công nhận. Dự kiến tháng 11/2019, tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019. Sau gần 02 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn nhận thấy một số điểm nổi bật như sau:

Một là, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, nội sinh và gia tăng giá trị; là một giải pháp, nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, từ những sản phẩm truyền thống của địa phương, cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, các sản phẩm thô sơ trước đây nay đã trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chất lượng được nâng lên, mẫu mã, bao bì dần được cải tiến được thị trường đón nhận tích cực, cụ thể như: hồng không hạt, miến dong, cam, quýt, gạo Bao thai, gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, bún khô, phở khô, tinh bột nghệ cao cấp Cucumin, bí xanh thơm  và rau, củ, quả các loại,...

Hai là, đang từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân vùng nông thôn trong việc thay đổi về phong cách, tập quán sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ tự phát. Đến nay, người dân đã dần từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với việc giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng.

Ba là, Đề án OCOP đã hình thành nhiều tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã…), qua đó tạo được nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động, góp phần hạn chế người dân ở nông thôn di cư ra thành thị, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân tại nông thôn,...

Bốn là, góp phần tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn theo chiều sâu, nâng cao tính chủ động và vai trò của người dân từ làm thuê, bị động đến chủ động sản xuất theo nhu cầu của thị trường, làm chủ doanh nghiệp, từ đó đã huy động được các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp.

Năm là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành nhận thấy những lợi ích của Chương trình OCOP, qua đó đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn.

Xác định thực hiện Chương trình OCOP là một giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, coi đây là giải pháp thực hiện một trong bốn nhiệm vụ trong tâm tại Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; là một nội dung của Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Tỉnh ủy, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung tổ chức thực hiện. Ngay từ năm 2016, tỉnh đã thành lập Ban điều hành Đề án/Chương trình; tổ chức điều tra các sản phẩm theo 6 nhóm ngành hàng để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu phục vụ xây dựng Đề án; tổ chức xây dựng và phê duyệt Đề án của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cho từng năm. Tháng 4/2019, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Qua gần 2 năm tổ chức triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đúng theo chu trình OCOP với 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, theo hướng đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Các bước triển khai chu trình cụ thể gồm: 1) Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; 2) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; 3) Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; 4) Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; 5) Đánh giá và xếp hạng sản phẩm; 6) Xúc tiến thương mại. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ quan chủ trì được giao thực hiện đề án luôn bám sát theo các nội dung và thời giam cụ thể đã được ban hành theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Để có được kết quả đó, vai trò đóng góp của các sở, ban, ngành trong thực hiện chương trình là rất quan trọng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường theo đúng quy chuẩn OCOP. Cụ thể như: đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận, công bố hợp quy về chất lượng, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (hội chợ, triển lãm....); điểm giới thiệu và bán sản phẩm; đăng ký công bố chất lượng, sở hữu trí tuệ sản phẩm, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch,….

Đối với phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nhằm phát huy lợi thế địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng, miền hiện tỉnh đang giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu thực hiện. Tỉnh Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch: Nổi bật là khu du lịch Ba Bể, đây là khu du lịch trọng điểm của tỉnh với nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo như: Ao Tiên, Đảo Bà Góa, Động Puông, thác Đầu Đẳng, sông Năng; Động Hua Mạ, động Nà Phoòng (căn cứ đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam),… Các bản nhà sàn ven hồ với mô hình du lịch homestay được gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc lâu đời, với nhiều loại hình du lịch phong phú như: du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao, leo núi mạo hiểm, bơi thuyền; nghiên cứu khoa học… hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là vườn di sản Asean, di tích cấp Quốc gia đặc biệt và là khu Ram Sa thứ 3 của Việt Nam. Hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới, là một kỳ quan thiên nhiên, hồ có chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất là 2km, diện tích mặt nước là 500ha, độ sâu trung bình là 20m, nơi sâu nhất là 35m, chứa khoảng 90 triệu m3 nước; với không khí mát mẻ quanh năm của núi rừng và sông nước, du khách có thể tham quan Hồ Ba Bể bất cứ thời gian nào trong năm.

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, tỉnh Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú như: các phong tục tập quán, lễ hội văn hóa, các món ẩm thực ngon, độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày; các làn điệu then, shi, lượn... mang đậm bản sắc văn hoá tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách du lịch quốc tế.

Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đem lại cơ hội thư giãn, giải trí, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nông thôn; giúp gắn kết giữa giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền và sản xuất nông nghiệp. Các hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thay đổi cảnh quan nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở đầu ra cho các sản phẩm, bảo tồn các giá trị văn hóa nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số, thay đổi diện mạo nông thôn, hướng tới thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tuy nhiên, để thực hiện việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trong những năm tới, tỉnh đưa ra những định hướng và giải pháp chính thực hiện chương trình như sau:

Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của OCOP, tạo điều kiện và động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, thể hiện bằng việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng năm, có đánh giá tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Phát triển du lịch nông thôn dựa trên nên tảng phát triển nông nghiệp và để nông nghiệp phát triển thì phải thay đổi tư duy, cách tổ chức sản xuất theo Chương trình OCOP, đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất,... Xây dựng mối liên kết trong và ngoài tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, thế mạnh của địa phương như: thảo dược, chè, rau sạch, gà đồi, lợn đen,...

Phải có hệ thống tổ chức bộ máy đồng bộ để triển khai hoạt động của Chương trình. Cán bộ thường xuyên tiếp cận giúp đỡ các tổ chức kinh tế từ khâu đăng ký sản phẩm cho đến hoàn thiện sản phẩm vì các tổ chức kinh tế còn nhiều hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với hình thức đa dạng từ các kênh truyền hình (trung ương, địa phương). Xây dựng tờ rơi, các trang thông tin điện tử về hình ảnh con người và miền quê của tỉnh.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân mạnh dạn đầu tư và tham gia vào các hoạt động du lịch để giải quyết công ăn việc làm, kết nối chương trình du lịch của tỉnh, huyện tới thôn, bản đồng thời liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách du lịch đến bản làng.

Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực như; đào tạo nhân lực là con em của địa phương về kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp tham gia liên kết các tour du lịch. Đây là những nhân tố đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình, để phát triển bền vững Chương trình OCOP chính là đặt người dân nông thôn vào vị trí trung tâm trong quá trình triển khai.

Đầu tư, hỗ trợ trực tiếp các hộ làm du lịch tại các thôn, làng, bản có tiềm năng đi tham quan, trải nghiệm. Gắn kết chặt chẽ với cộng đồng của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh. Trên cơ sở đánh giá các tiềm năng du lịch của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các mô hình du lịch như: Cày, bừa, cấy lúa nước, xay lúa, giã gạo, tráng bánh cuốn, úp nơm bắt cá, tát gầu sòng với các nông cụ cổ xưa có từ lâu đời của các dân tộc; Nông trại chăn nuôi; gắn với sinh hoạt của cộng đồng; Rau hữu cơ, rau rừng tự nhiên, cây cảnh, đa dạng sinh học, nấu ăn, thu hoạch và làm súp rau;... Khôi phục các làng nghề như dệt vải, dệt thổ cẩm.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)