Bộ Khoa học và Công nghệ: Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

28/12/2020 13:48
  • Print
  • Lượt xem: 2608

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả của Chương trình, trong đó có đóng góp lớn đưa khoa học và công nghệ vào chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên những bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của người dân.

Kết quả mà Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, cụ thể là:

Khoa học và Công nghệ, góp phần tích cực vào việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Đặc biệt là việc thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ ở các doanh nghiệp nông nghiệp. Làm cho các doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng có vai trò to lớn hơn trong nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, từng bước thay đổi quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn đáp ứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, nhất là việc triển khai ứng dụng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia và các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị đã tăng nên rõ rệt. Các kết quả này đã có tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp; góp phần tạo thêm việc làm, tạo thêm ngành hàng trong nông nghiệp, tạo thêm nghề mới ở nông thôn nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân đã phát huy vai trò làm chủ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; dân chủ được phát huy theo hướng người dân là chủ thể và là người hưởng lợi trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và hội nhập.

Nông thôn ngày càng phát triển văn minh và hiện đại hơn; cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tăng khá; nông thôn mới đã trở thành hiện thực ở 51,16% số xã và 91 đơn vị cấp huyện trên cả nước, 04 tỉnh và thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Khoa học và công nghệ đã có đóng góp đáng kể trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, cả nước đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới. Khoa học và công nghệ đóng góp 30% giá trị gia tăng của nông sản. Việt Nam từ quốc gia là nước nhập khẩu lương thực, nay trở thành nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, và một số mặt hàng nông sản khác.

Có được những kết quả nêu trên là do Bộ Khoa học và công nghệ đã tích cực, chủ động chủ trì, tham gia phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nói chung và Quyết định số 986/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/5/2014 về việc ban hành Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng. Cụ thể, khoa học công nghệ đã có đóng góp trong việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng nông lâm sản, góp phần thay đổi các tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, đã thực hiện thay đổi mô hình canh tác, cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình của các kết quả doanh nghiệp liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã cho ra các mô hình thành công như cánh đồng mẫu lớn Mô hình Tập đoàn Lộc trời, Mô hình Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, Mô hình doanh nghiệp cơ khí Bùi văn Ngọ, mô hình Công ty cổ phần Thuỷ sản Việt - Úc, mô hình Công ty cổ phần Sữa TH, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau hoa… các mô hình này đã góp phần đẩy nhanh việc thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Về định hướng thực hiện Chương trình sau năm 2020

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020 phải đáp ứng tiêu phát triển bền vững ở tất cả các cấp. Những mô hình hiệu quả của giai đoạn 2010 - 2020 cần phát huy và nhân rộng trên toàn quốc, khắc phục triệt để những yếu kém, tồn tại, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn.

Trên cơ sở đó, để lĩnh vực khoa học và công nghệ tiếp tục phát huy những kết quả của giai đoạn 2010 - 2020, triển khai thực hiện Chương trình sau năm 2020 và đạt kết quả, Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra 8 định hướng sau:

Thứ nhất, mở rộng việc đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ và Luật Khoa học và công nghệ. Kịp thời tổng kết để xây dựng cơ chế quản lý và tài chính phù hợp cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nói chung.

Thứ hai, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ việc thành lập và phát triển của các tổ chức khoa học và công nghệ nông nghiệp thuộc các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước; ưu tiên trong xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai; xây dựng và thực thi các cơ chế để đảm bảo doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển khi xây dựng các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm.

Thứ ba, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công. Gắn các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 và các chương trình khoa học và công nghệ khác có liên quan tới phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, tăng cường phối hợp trong tổ chức nghiên cứu triển khai giữa Bộ Khoa học và công nghệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan.

Thứ sáu, đẩy mạnh việc hình thành các mối liên kết chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ trong việc thực hiện chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp từ: nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ bảy, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có các nội dung trực tiếp và gián tiếp phục vụ phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Thứ tám, hướng dẫn các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; Tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)