Đến nay, Vĩnh Phúc có 04/09 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 thôn đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt trên 50 triệu đồng/người, tăng gần 2 lần so với năm 2015.
Đặc biệt, kết quả xây dựng nông thôn mới đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Internet
Đóng góp chung vào thành tích đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia, đóng góp nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội; môi trường, cảnh quan được chú trọng. Các cấp hội phụ nữ cũng vận động cán bộ, hội viên và nhân dân hạn chế, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy trong sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng hoặc dễ phân hủy; xây dựng cảnh quang môi trường – xanh - sạch - đẹp – văn minh.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành và tổ chức có hiệu quả các chính sách đặc thù về đầu tư, hỗ trợ cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.
Nguồn: tcnn.vn