Điều này cũng đang tạo sức bật lớn cho xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững từ việc khẳng định vị thế cho nông sản địa phương.
Sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn. Ảnh: doanhnghiepvn.vn
Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/5/2018, trọng tâm là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.
Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng (từ 1 sao đến 5 sao). Lộ trình sản phẩm OCOP quốc gia đến hết năm 2020 là khoảng 2.500 sản phẩm, củng cố 3.920 tổ chức kinh tế tham gia OCOP, phát triển mới 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
Cafe, ca cao là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk là sản phẩm OCOP 4 sao, cao nhất trong số 11 sản phẩm OCOP vừa được tỉnh đánh giá, xếp hạng.
Theo ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, sản phẩm Công ty được xếp hạng OCOP 4 sao sẽ là thuận lợi để sản phẩm có thể tham gia thị trường trong và xuất khẩu: “Công ty Ca cao Nam Trường Sơn đã tham gia vào các hệ thống chứng chỉ cũng như là các giải thưởng nhiều, nhưng với chương trình OCOP là một chương trình không chỉ của tỉnh mà còn của quốc gia nên việc tham gia đánh giá chứng nhận OCOP Công ty muốn một phần để khẳng định lại giá trị thương hiệu để đạt được các tiêu chuẩn của OCOP, một phần muốn tạo ra một cộng đồng các sản phẩm OCOP để có thể giao lưu, trao đổi các phương thức hợp tác, sản xuất”.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ý tưởng mới, những sản phẩm mới, đa dạng ra đời ở nhiều nơi trong tỉnh Đắc Lắk. Bà Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở Tinh bột nghệ Kim Luyến, cho biết tham gia đánh giá sản phẩm theo chương trình OCOP là cách để doanh nghiệp sản xuất nhận diện rõ những hạn chế, thiếu sót, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện mình: “Cũng là một thử thách, nhưng cũng là một cơ hội để cho sản phẩm của đơn vị được thị trường biết đến và cũng được hội đồng đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu để cơ sở biết để khắc phục và phát triển vững chắc phù hợp với nhu cầu của thị trường”.
Các sản phẩm OCOP góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, bảo đảm thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Sản phẩm mật ong Chư Yang Sin của tỉnh Đắk Lắk tham gia quảng bá sản phẩm
Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2019. Nguồn: VOV
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Về cơ bản thì các sản phẩm OCOP đã có mặt trên thị trường, tuy nhiên để hoàn thành các tiêu chuẩn chất lượng theo các tiêu chuẩn sao thì đòi hỏi chủ thể đấy phải nghiên cứu kỹ hơn và hoàn thiện đặc biệt là các bộ hồ sơ theo đúng quy định rất chặt chẽ. Thời gian tới, chúng tôi tăng cường tập huấn cho cả đội ngũ quản lý lẫn đội ngũ các chủ thể này để nắm vững các quy định chi tiết cụ thể nhất. Từ đó, tạo điều kiện cho họ từ bước xây dựng ý tưởng, xây dựng phương án sản phẩm, triển khai xây dựng sản phẩm và quan trọng nhất là kết nối tiêu thụ được sản phẩm.”
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; công nhận/chứng nhận một đến hai sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10 đến 12 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu có ít nhất từ 10 đến 15 tổ chức kinh tế mới sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương tham gia Chương trình OCOP trong năm 2020 dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Nguồn: vovworld.vn