Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

23/12/2020 15:11
  • Print
  • Lượt xem: 1626

Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực Giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu cơ bản trên các mặt: chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền phổ biến, tập huấn, hướng dẫn thực hiện; nguồn lực thực hiện chương trình…

Ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 - 202. Nguồn: TTXVN

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 6/2019, tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để thực hiện Chương trình trong cả giai đoạn 2011 - 2019 khoảng 462.791,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giai đoạn 2011 - 2015 (chiếm 66,31%), cụ thể như sau:


Ngân sách Trung ương phân bổ giai đoạn 2011 - 2015 chiếm tỷ lệ 45,79% so với cả giai đoạn, tương đương với giai đoạn 2016 - 2019.

Ngân sách địa phương phân bổ giai đoạn 2011 - 2015 chiếm tỷ lệ 65,2% so với cả giai đoạn, gần gấp 02 lần so với với giai đoạn 2016 - 2019.

Các nguồn thu hợp pháp khác chủ yếu huy động được trong giai đoạn 2011 - 2015, chiếm tỷ lệ 79,31%, giai đoạn 2016 - 2019 chỉ chiếm khoảng 20,69%.

Về chi tiết các khoản chi, theo báo cáo của các địa phương, phần lớn các khoản chi đều chi cho đầu tư phát triển, cụ thể: Giai đoạn 2011 - 2015, chi cho đầu tư phát triển chiếm 70,78%; chi thường xuyên chiếm 29,22%. Giai đoạn 2016 - 2019, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 67,54%, chi thường xuyên chiếm 32,46%. Tính tổng cả giai đoạn 2011 - 2015, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 69,69%; chi thường xuyên chiếm 30,31%.

Nhìn chung, qua 9 năm thực hiện Chương trình, điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục đã được quan tâm đầu tư xây mới; cải tạo nâng cấp, sửa chữa; mua sắm bổ sung, thay thế góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở. Tuy nhiên, việc đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của cả nước và 7 vùng đều chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Cụ thể cả nước (53,79% so với 80%); các vùng: Trung du miền núi phía Bắc (39,93% so với 70%); Đồng bằng sông Hồng (81,74% so với 100%); Bắc Trung Bộ (53,8% so với 80%); Duyên hải Nam Trung Bộ (40,06% so với 80%); Tây Nguyên (38,84% so với 70%); Đông Nam Bộ (49,8% so với 100%); Đồng Bằng sông Cửu Long (52,94% so với 70%).

Các địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu với các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục; xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực với giải pháp tích cực để củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vững chắc và phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Các cơ sở giáo dục đã có nhiều biện pháp và tạo các điều kiện để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra công nhận, công nhận lại các đơn vị đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo các mức độ để đảm bảo phản ánh đúng tình hình thực tế, thực chất kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; triển khai thực hiện hệ thống thông tin quản lí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đồng bộ, hiệu quả.

8 kiến nghị, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Một là, khi giáo dục và đào tạo tiếp tục được coi là một lĩnh vực mũi nhọn, để giải quyết điểm đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần thiết kế riêng một Chương trình mục tiêu quôc gia về lĩnh vực này. Chương trình mục tiêu quôc gia đó cần được thiết kế theo đúng nguyên lý của một chương trình dựa trên kết quả để có thể đánh giá, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và trách nhiệm giải trình đối với việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Hai là, nếu mục tiêu về giáo dục và đào tạo vẫn được lồng ghép vào trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì cũng cần bóc tách từ Chương trình tổng thể thành các tiểu chương trình (trong đó có Chương trình giáo dục và đào tạo), với nguồn lực, phạm vi và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa Bộ ngành và địa phương.

Ba là, xây dựng ngay từ đầu hệ thống giám sát đánh giá chương trình dựa trên kết quả, với bộ máy quản lý riêng và kinh phí độc lập, thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá mang tính độc lập (tách rời khỏi hệ thống báo cáo hành chính của chương trình hay địa phương) để đảm bảo trách nhiệm giải trình với các bên: Quốc hội, Chính phủ, người dân và các nhà tài trợ.

Bốn là, tiếp tục quan tâm, bổ sung ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, bảo đảm ưu tiên phân bổ đủ 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo; Tăng ngân sách chi đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị; xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo để hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện duy tu bảo dưỡng và mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.

Năm là, có chính sách đặc thù hỗ trợ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Cần có chính sách hỗ trợ người học xóa mù chữ ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ người dạy xóa mù chữ không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước.

Sáu là, tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các tỉnh/thành phố để các địa phương tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bảy là, nâng mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo theo Nghị định 06 để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức ăn trưa cho trẻ, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để phát triển về thể chất và tinh thần.

Tám là, tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non các độ tuổi để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường, đáp ứng yêu cầu thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)