Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đổi mới cơ chế đầu tư - Động lực thúc đẩy xây dựng thành công nông thôn mới

25/12/2020 17:03
  • Print
  • Lượt xem: 2772

Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những đóng góp quan trọng, gặt hái những thành quả đáng khích lệ, trong đó nông thôn mới là điểm nhấn làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Võ Thành Thống thay mặt Lãnh đạo Bộ đón nhận vinh dự này. Nguồn: mpi.gov.vn

Từ một nước nông nghiệp có trình độ sản xuất thấp, luôn đối mặt với nỗi ám ảnh thiếu lương thực, thực phẩm trong những ngày “đầu mùa, giáp hạt”, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn yếu kém đến nay sản phẩm của ngành đã rất phong phú, dồi dào, không những thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân mà còn vươn ra thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã từng bước hoàn chỉnh, dù còn nhiều vùng khó khăn nhưng nhìn chung bộ mặt nông thôn đã khang trang, sạch đẹp và dần hình thành những “miền quê đáng sống”, dáng dấp của “nông thôn thịnh vượng”.

Những thành tựu đó trước hết là do tư duy phát triển đã được đổi mới và sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà trong đó có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành. Những tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần tháo gỡ, xóa bỏ những ách tắc, khó khăn lâu nay làm kìm hãm, hạn chế phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; đồng thời khơi dậy những tiềm năng, động lực phát triển trong cộng đồng cư dân nông thôn.

Vì vậy, kết quả mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được thể hiện trên các mặt:

Thứ nhất, đã thực hiện nhiều đổi mới về cơ chế quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Các quy chế quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia đã được hoàn thiện, điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn; nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao; Tạo cơ chế minh bạch để thu hút được nhiều nguồn tài trợ từ cộng đồng quốc tế. Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập ở mỗi cấp duy nhất 01 Ban chỉ đạo cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, duy nhất 01 Ban quản lý cấp xã để tập trung chỉ đạo, thống nhất nguồn lực, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo.

Về cơ chế quản lý nguồn vốn ngân sách trung ương, cũng đã thực hiện phân cấp mạnh mẽ, tăng tính chủ động sáng tạo của địa phương; một số quy định không theo cách quản lý thông thường đối với dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương như không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương, không quản lý theo danh mục chi tết các dự án cụ thể, trung ương chỉ giao tổng số, trao quyền phân bổ chi tiết cho địa phương dựa trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của trung ương.

Nội dung đầu tư cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình, trình độ phát triển nông thôn theo từng thời kỳ. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường).

Quy trình lập kế hoạch đầu tư công cấp xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đúng như quan điểm chỉ đạo, định hướng chung của Chính phủ. Đồng thời cũng đã thể chế được chủ trương tăng cường vai trò và sự tham gia của người dân trong việc đưa ra quyết định lựa chọn dự án, lập kế hoạch đầu tư công để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; quy định cụ thể các bước quy trình lập kế hoạch đầu tư công cấp xã theo hướng dân chủ, công khai và minh bạch; Đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực của các cấp, khả năng đóng góp nguồn lực của cộng đồng.

Thứ hai, đã tạo ra được một hệ thống các cơ chế đầu tư đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới, một điểm mới trong cơ chế đầu tư là cơ chế giải phóng mặt bằng thông qua vận động, không áp dụng cơ chế đền bù thông thường. Đây là thay đổi có tính chất quyết định trong việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng do việc giải phóng mặt bằng hết sức phức tạp, chi phí rất lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước và đóng góp của Nhân dân. Xuất phát từ tư duy đây là chương trình của dân, phục vụ Nhân dân nên trong quá trình xây dựng Chương trình và các văn bản hướng dẫn, cơ chế khuyến khích người dân hiến đất đã ra đời. Từ quy định này đã tạo sự đồng thuận và huy động được nguồn lực rất lớn từ Nhân dân.

Tiếp tục xu thế đổi mới là sự ra đời của cơ chế  đầu tư đặc thù cho các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo quy định này, đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản thuộc Chương trình, các địa phương được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù, không cần phải lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển hình thì chỉ cần lập dự toán đơn giản, chỉ định cho người dân hoặc cộng đồng trong xã tự làm. Chính sách là bước ngoặt về khung pháp lý trong thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình. Hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính “mồi” để thu hút các nguồn vốn khác (người dân tham gia hiến đất, đóng góp vật liệu, ngày công...).

Giai đoạn 2016 - 2020, cơ chế đầu tư đặc thù tiếp tục được hoàn thiện thông qua việc ra đời của Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ. Các quy định đặc thù giai đoạn này đã được mở rộng cả về phạm vi và nội dung như áp dụng cả với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mở rộng về quy mô công trình áp dụng, áp dụng cả công trình liên thôn, công trình do tổ nhóm thợ thực hiện, bổ sung các cơ chế đặc thù so với Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, cơ chế thanh quyết toán đặc thù...

Việc áp dụng cơ chế đã góp phần giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách, nâng cao chất lượng, tuổi thọ của công trình, từ đó cả nước đã xây dựng được trăm ngàn km đường liên thôn, đường ngõ xóm, giao thông, thủy lợi nội đồng… với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với cách làm thông thường. Đồng thời, chính sách này cũng đóng góp quan trọng trong việc nâng cao trình độ, trách nhiệm của cán bộ cơ sở (xã, thôn) và cộng đồng dân cư.

Trên cơ sở khung chính sách của trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành nhiều chính sách đầu tư đặc thù, rất sáng tạo nhằm lồng ghép, huy động mọi nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới và tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực đó như chính sách cấp xi măng, ống cống, hỗ trợ ca máy trộn bê tông... để dân tự làm đường (các tỉnh: Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình...); hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng, Hà Tĩnh...); hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, mua máy móc nông nghiệp (thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Bình Định...); thưởng xã về đích sớm để khuyến khích các xã làm tốt (các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An...).

Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình, tạo điều kiện để thu hút nguồn lực to lớn của xã hội cho xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn có 8 Chương trình khác có nội dung trực tiếp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho Chương trình. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) 266.785 tỷ đồng (31,34%), tín dụng 434.950 tỷ đồng (51%), doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (12,62%). Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình 98.664 tỷ đồng (11,59%). Trong đó, ngân sách Trung ương 16.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương các cấp 82.264 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ, Quốc hội lồng ghép, tích hợp thành 02 Chương trình và đều là các chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới) để tập trung hơn nữa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong giai đoạn này, nguồn vốn cho các chương trình đầu tư công đa số bị cắt giảm mạnh so với giai đoạn trước nhưng vốn ngân sách trung ương vẫn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội là trên 63 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Và đến nay, trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ cũng đang dự kiến báo cáo Quốc hội ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách trung ương cho 02 Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt (trong khi các Chương trình mục tiêu chỉ đáp ứng khoảng 70 - 80% kế hoạch trung hạn) thể hiện sự ưu tiên và cam kết của Chính phủ đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, cả nước huy động khoảng 1.500 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó: Ngân sách nhà nước trực tiếp cho Chương trình chỉ chiếm 13,4%; Tín dụng: 986 nghìn tỷ đồng chiếm 65,9%; Doanh nghiệp và hợp tác xã 78,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,22%; Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 80,9 nghìn tỷ đồng chiếm 5,4%.

Dự kiến cả giai đoạn 2016 - 2020, cả nước huy động được khoảng 1.900 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với giai đoạn trước, trong đó ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) đạt khoảng 263,5 nghìn tỷ đồng (bằng 2,67 lần so với giai đoạn 2010 - 2015; cao hơn mức 193.155,6 tỷ đồng theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2015/QH13).

Về tiêu chí hạ tầng và kinh tế, từ việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, năng lực hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân cũng như nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch dịch vụ công như y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao...

Theo thống kê của Chủ Chương trình, kết quả thực hiện các tiêu chí về hạ tầng và kinh tế đều ở mức cao, tăng trưởng mạnh so với thời kỳ bắt đầu xây dựng nông thôn mới, cụ thể như sau: 66,1% số xã đạt tiêu chí Giao thông nông thôn (tăng 62,9% so với năm 2010); 93,2% số xã đạt tiêu chí Thủy lợi (tăng 76,6% so với năm 2010); 90,7% số xã đạt tiêu chí Điện (tăng 45,9% so với năm 2010); 66,1% số xã đạt tiêu chí Trường học (tăng% so với năm 2010); 63,8% số xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (tăng 53,9% so với năm 2010); 88,4% số xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tăng 75,6% so với năm 2010); 90,5% số xã đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông (tăng 48,6% so với năm 2010); 76,5% số xã đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư (tăng 58,6% so với năm 2010); 69,2% số xã đạt tiêu chí về Tỷ lệ hộ nghèo (57,3 tăng% so với năm 2010); 67,3% số xã đạt tiêu chí về Thu nhập (tăng 59,3% so với năm 2010).

Kết quả thực hiện các tiêu chí về hạ tầng và kinh tế đã đưa Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của chúng ta về đích trước 18 tháng so với Nghị quyết của Quốc hội.

Đề xuất 4 định hướng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau năm 2020

Một là, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tham gia cung cấp các dịch vụ công ở nông thôn (như thu gom và xử lý rác thải, nước thải, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao...); công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện; có giải pháp phù hợp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các cơ chế đầu tư phải tiếp tuc được đơn giản hơn nữa để người dân tham gia nhiều hơn từ khâu lập kế hoạch, lập và thực hiện dự án; Có cơ chế đảm bảo nguồn vốn duy tu, bảo trì, bảo dưỡng công trình sau đầu tư; Tăng cường tính công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng; Coi phát triển sản xuất với dẫn dắt của doanh nghiệp là động lực để phát triển nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Hai là, về nội dung đầu tư, Ngân sách nhà nước tiếp tục thực hiện đầu tư, hoàn thành các thiết chế hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cơ bản tại nông thôn, có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các đơn vịcấp huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và cấp xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu; các dự án liên kết vùng, có vai trò dẫn dắt, lan tỏa; tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Ba là, tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển cho vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn để thu hẹp khoảng cách và đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thụ xứng đáng từ thành quả phát triển của đất nước: Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và an sinh xã hội, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và các cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế; đồng thời thực hiện Đề án phát triển tổng thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tập trung nguồn lực và thực hiện các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế đầu tư, tiếp tục trình Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đầu tư đặc thù. Xây dựng các cơ chế đầu tư đơn giản để người dân tham gia nhiều hơn nữa từ khâu lập kế hoạch, lập và triển khai  dự án; Có cơ chế đảm bảo nguồn vốn duy tu, bảo trì, bảo dưỡng công trình sau đầu tư;Tăng cường tính công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng. Tổng kết, thể chế hóa cơ chế phân cấp, trao quyền, nghiên cứu cơ chế giao vốn trọn gói cho xã/thôn theo cácmô hình đã phát huy hiệu quả trên thực tế, như Quỹ phát triển xã - CDF (kinh nghiệm của Hòa Bình), Quản lý cộng đồng (tại một số tỉnh), Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD) trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững/Chương trình 135 (như Hà Giang và Quảng Trị đã thực hiện khá thành công ở qui mô nhỏ tại một số huyện với sự hỗ trợ của Plan/Irish Aid), …

Đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình đầu tư công thành công nhất từ trước đến nay.

Phát huy kết quả đã đạt được,với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về kế hoạch và đầu tư, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng toàn ngành cam kết sẽ kiên định con đường đổi mới, nỗ lực hơn nữa, tham mưu những cơ chế chính sách đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; để xây dựng nông thôn mới không chỉ là một chương trình đầu tư công đơn thuần mà phải trở thành một cuộc vận động sâu rộng, thường xuyên với chủ thể thực hiện là người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, một xã hội nông thôn thịnh vượng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)