Xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum): Kết quả thực hiện 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

25/12/2020 11:03
  • Print
  • Lượt xem: 3039

Xã Rờ Kơi là một xã biên giới, cách trung tâm huyện 18km nằm ở phía bắc của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, giáp ranh với hai huyện trong tỉnh và có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 11,5km. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 29.869 ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là 21.497 ha, chiếm 72% diện tích của xã. Toàn xã có 5.382 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số Ha Lăng chiếm trên 90% được phân bố ở 06 thôn, xã có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh biên giới của tỉnh Kon Tum.

Nông thôn mới xã Rờ Kơi. Nguồn:kontumtv.vn

Xã có điểm xuất phát thấp, là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy, kết cấu hạ tầng thấp kém, tàn dư chiến tranh để lại khá nặng nề, đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thiếu tính bền vững, manh mún nhỏ lẻ, đất đai ngày một bạc màu. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59,6%, thu nhập bình quân đầu người thấp với 9,5 triệu/người, đạt 35% so với bình quân chung của huyện. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới qua rà soát xã chưa đạt được tiêu chí nào 0/19 tiêu chí. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, an ninh chính trị, tôn giáo diễn biến phức tạp. Các thế lực phản động luôn tìm cách chống phá, xúi giục vượt biên trái phép, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể như sau:

Về công tác chỉ đạo, triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chủ trương có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ, theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Trước những khó khăn thách thức đan xen, Đảng ủy, chính quyền xã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các văn bản hướng dẫn của các cấp. Đảng ủy xã xác định xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ an ninh biên giới là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, Đảng ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ an ninh biên giới, Ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, sớm đưa xã thoát nghèo, hòa chung với sự phát triển của huyện nhà.

Các giải pháp trọng tâm, từ thực trạng về lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã trong thời gian qua, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ trong tổ chức thực hiện Chương trình trong giai đoạn hiện nay, xã đã thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quản lý Nhà nước về đầu tư công.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền làm cho nhân dân chuyển đổi nhận thức, vận động để nhân dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là phục vụ chính lợi ích của Nhân dân; qua đó nâng cao tinh thần tự lực vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Tăng cường học tập kinh nghiệm để nghiên cứu bổ sung, vận dụng những cách làm hay, hiệu quả của các xã, nhất là những xã có điều kiện tương đồng với xã Rờ Kơi vào việc xây dựng nông thôn mới của xã.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra, cụ thể:

Đối với nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội (từ tiêu chí số 2 đến tiêu chí số 9): tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hỗ trợ đảm bảo theo mục tiêu nông thôn mới; tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng nông thôn mới của xã; tăng cường giải pháp huy động và kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ đầu tư trên địa bàn. Ủy ban nhân dân xã đã đưa ra 3 giải pháp đột phá đó là: Phân công cán bộ, Đảng viên phụ trách từng thôn làng, khu dân cư, cùng sinh hoạt chi bộ; Chỉnh trang lại các khu dân cư, như đường làm đến đâu nhân dân tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công và cùng tham gia, xây dựng một số tuyến đường xanh, sạch, sáng, như kéo điện công lộ, trông hoa hai bên đường; Xã đã thành lập tổ tuyên truyền vận động nhân dân do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm tổ trưởng để duy trì các thiết chế văn hóa và thành lập các tổ chuyền dạy văn hóa dân gian, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.

Đối với nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất (từ tiêu chí số 10 đến tiêu chí số 13): tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nâng cao thu nhập người dân, trong đó chủ yếu thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh triển khai các Chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ người dân, cụ thể như: Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, qua 9 năm triển khai thực hiện khắc phục tình trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng cạnh tranh của sản phẩm thấp. Tăng cường các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, thế mạnh của địa phương.

Xã đã thành lập tổ tuyên truyền vận động, và hướng dẫn nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành một số mô hình cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, đồng thời vận động, khuyến khích một số hộ dân có tiềm lực về đất đai, làm trước sau đó nhân rộng mô hình, sau 8 năm triển khai thực hiện đến nay diện tích cây công nghiệp của xã đạt 1.950ha, cụ thể là cây cao su trên 1.320ha cây cà phê 470ha, trong đó cà phê xem cây ăn trái là 48ha/12 hộ, còn lại là các loại cây công nghiệp khác, nhân dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tham gia chuỗi trồng và chăm sóc cây mỳ, nuôi bò, dê.

Để giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ở địa phương Ủy ban nhân dân xã đã tăng cường phối hợp với Nhà máy chế biến cao su, nhà máy chế biến tinh bột sắn, công ty 732, trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh để giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Khai thác hiệu quả chợ và các dịch vụ nhỏ trên địa bàn. Chủ động liên hệ tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đối tượng trong độ tuổi lao động để giúp họ tìm kiếm các cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Với lợi thế là xã có dân số đông, có chợ trung tâm để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn, qua đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã hàng năm đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2011 - 2018 tăng 2,47 lần, từ 9,5tr/người vào năm 2011 lên 23,5 tr/người vào năm 2018. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 52,6% đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 27,25%, bình quân giảm 8,5%/năm.

Đối với nhóm tiêu chí văn hóa - xã hội - môi trường (từ tiêu chí số 14 đến tiêu chí số 17): thực hiện có hiện quả công tác tuyên truyền vận động người tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào thi đua, đưa phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới vào các hương ước, quy ước của các thôn, làng. Xã thành lập các tổ giúp dân vào chiều thứ 6 hàng tuần, cán bộ, đoàn viên thanh niên, các cán bộ đoàn thể, công chức xã xuống hướng dẫn cho nhân dân và cùng nhân dân dọn vệ sinh, môi trường và xắp xếp đồ dùng, vật dụng cho hộ gia đình.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới trong các tầng lớp nhân dân. Tổ chức thông tin, tuyên truyền và thực hiện các phong trào cụ thể như: phong trào xây dựng “người tốt việc tốt”; phong trào xây dựng “gia đình văn hóa”; phong trào xây dựng “Thôn, làng văn hóa”…

Đối với nhóm tiêu chí hệ thống chính trị (tiêu chí số 18 và số 19): tổ chức thực hiện tốt công tác cán bộ, có giải pháp luân chuyển và thay thế cán bộ không đảm bảo chuyên môn và chưa đạt chuẩn; xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng; xây dựng xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên. Phấn đấu đến năm 2020 xã đạt chuẩn nhóm tiêu chí này.

Tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và cả giai đoạn đối với lĩnh vực được giao. Đối với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tổ chức xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện.

Nhìn chung, là một xã có xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đến nay xã Rờ Kơi mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí, những tiêu chí khó nhất vẫn còn ở phía trước, số lượng tiêu chí đạt được so với các đơn vị khác vẫn còn rất khiêm tốn. Đảng bộ xã đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, tập trung bàn và ban hành Nghị quyết lãnh đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực bám sát và chỉ đạo có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Những thành công mới chỉ là bước đầu, chưa đủ cơ sở để khẳng định thắng lợi nhanh chóng, toàn diện trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Rờ Kơi. Kết quả bước đầu là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo đã được chỉ rõ trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Rờ Kơi về xây dựng nông thôn mới từ nay đến 2020, và tầm nhìn đến năn 2025. Đảng bộ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo để xây dựng nông thôn mới thành công trên địa bàn. Tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị khác, đồng thời bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện. Phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và sự ủng hộ nhiệt tình, tích cực của nhân dân xã nhà, các doanh nghiệp trên địa bàn để chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xây dựng nong thôn mới là quá trình liên tục và không có điểm dừng, do đó Ủy ban nhân dân xã đề xuất, kiến nghị Trung ương và tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực để xã Rờ Kơi triển khai thực hiện 9/19 tiêu chí còn lại, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới vùng biên giới an toàn, ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, văn minh./.

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)