Xuất phát điểm thấp
Năm 2011, bắt tay vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Tường có số xã tham gia xây dựng nông thôn mới nhiều nhất tỉnh (26/112 xã, chiếm 23,2% toàn tỉnh), 22/26 xã đạt 5 đến 8 tiêu chí, 4/26 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có xã mới đạt 1/19 tiêu chí nông thôn mới.
Nhà ở dân cư thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: nongthonmoiphutho.vn
Xác định được lợi thế và khó khăn của địa phương, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn chủ động phối hợp với các xã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng tiêu chí cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai, tháo gỡ vướng mắc, với phương châm tập trung nguồn lực cho những xã xây dựng nông thôn mới có điều kiện về đích sớm.
Điển hình như xã Thượng Trưng, năm 2013, xã mới đạt 10/19 tiêu chí. Tiêu chí môi trường khi triển khai gặp nhiều khó khăn do đại đa số người dân không đồng thuận để xây dựng bãi xử lý rác thải theo quy hoạch. Tuy nhiên, bằng những cách làm sáng tạo, kết hợp với tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Đến nay, Thượng Trưng đã về đích đúng lộ trình, trở thành địa phương kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Hiện hầu hết các tuyến đường liên thôn trong xã đều được trải nhựa áp-phan thẳng tắp; hệ thống đèn chiếu sáng đã tới từng ngõ, xóm; cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế cũng đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ.
Năm 2018, xã Kim Xá nằm trong số các xã cuối cùng của huyện cần hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Thế nhưng, các tiêu chí còn lại là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm... đều là những tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn để thực hiện, nếu không có bước đi, cách làm phù hợp sẽ rất khó triển khai.
Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ưu tiên triển khai các hạng mục hạ tầng cần thiết trước, đặc biệt là lấy việc tuyên truyền, vận động làm khâu đột phá, từ đó giúp nhân dân thấy được lợi ích, trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình để tự nguyện đóng góp thực hiện chương trình.
Cách làm này đã đưa Kim Xá cán đích nông thôn mới đúng thời gian cam kết. 100% đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường giao thông nội đồng được cứng hóa; 3/3 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 8/8 thôn có nhà văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 88%; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm.
Sau gần 10 năm thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Tường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
ường giao thông nông thôn xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: nongthonmoiphutho.vn
Từ nguồn vốn huy động trên 6.825 tỷ đồng, trong đó có hàng trăm tỷ đồng do nhân dân đóng góp, các địa phương đã nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,36% vào cuối năm 2019 và không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện thực hiện, có trên 97% các hộ được lấy ý kiến đồng tình với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện, đánh giá tất cả các tiêu chí đều đã đạt chuẩn.
Nói về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Tường, ông Nguyễn Bình Khiêm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chia sẻ, đến hết năm 2015, huyện có 9 xã về đích nông thôn mới và đến hết năm 2019, huyện Vĩnh Tường có 26/26 xã về đích nông thôn mới. Có được điều này là do sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Hàng tháng, lãnh đạo huyện đều nghe các xã báo cáo về những tồn tại và khó khăn, trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện cùng các cơ quan chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn để tìm cách giải quyết triệt để. Tập trung chỉ đạo quy hoạch các khu đất giãn dân đấu giá để đẩy nguồn. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện làm cầu nối giữa xã với huyện và tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ cho những xã còn gặp khó khăn.
Ngoài những kinh nghiệm kể trên, điều quan trọng nhất là lãnh đạo huyện nhận ra, cho dù làm bất cứ việc gì nếu không nhận được sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân thì không thể thành công được. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện luôn đề cao tính dân chủ, mỗi phong trào triển khai đều tham vấn người dân, để người dân tham gia ý kiến rồi đi đến quyết định. Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đều hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới, ngày càng phát huy vai trò chủ thể của mình, chung tay, góp sức vì sự phát triển bền vững của địa phương.
Quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xác định xây dựng nông thôn mới là thường xuyên, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi cán đích nông thôn mới, nhiều xã trong huyện đã tập trung nâng chất lượng các tiêu chí, quyết tâm chinh phục nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bằng những cách làm sáng tạo, trong đó, đặc biệt chú trọng tới sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Trong giai đoạn tới, Vĩnh Tường đã lựa chọn các xã Tam Phúc, Ngũ Kiên và Vũ Di xây dựng thành xã nông thôn mới nâng cao và 3 thôn (Thôn Vũ Di - xã Vũ Di; thôn Phúc Lập Trong - xã Tam Phúc; thôn Thượng - xã Ngũ Kiên) thành thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Hưởng ứng cuộc vận động "Xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu dân cư và vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu", từ năm 2019 đến nay, huyện Vĩnh Tường đã triển khai xây dựng, cải tạo được gần 46km cống, rãnh thoát nước thải. Trong đó, có hơn 28,5km được xây dựng theo Nghị quyết 38 của Hội đồng nhân dân tỉnh và hơn 17,4km được xây dựng và cải tạo theo nguồn đầu tư công và xã hội hóa.
Toàn huyện có 25 xã, thị trấn đăng ký triển khai mô hình trồng tuyến đường hoa trong năm 2020 với tổng số 50 tuyến; 100% xã, thị trấn đăng ký triển khai mô hình vẽ tranh cổ động trang trí, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các bức tường tại các trục đường thôn, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư.
Xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường) được tỉnh Vĩnh Phúc chọn làm điểm xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu năm 2020.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Tam Phúc là địa phương đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới năm 2013. Từ năm 2014 - 2020, xã huy động được gần 58 tỷ đồng đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng. Riêng năm 2019, đã có 63 hộ dân hiến gần 3.000m2 đất ở, đất nông nghiệp để mở rộng đường.
Quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu năm 2020, xã Tam Phúc đã triển khai kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực. Nhân dân tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, cổng, ngõ xóm, hiến đất để nắn đường, xây dựng rãnh thoát nước thải; chuyển đổi các mô hình kinh tế, trang trại nên bộ mặt nông thôn mới của xã ngày càng đổi mới.
Tính đến tháng 8/2020, Tam Phúc đạt 70% các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 90% các tiêu chí thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn: nongnghiep.vn