Tiền Giang: Kết quả 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

22/12/2020 11:51
  • Print
  • Lượt xem: 1390

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động được để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là: 53.675,453 tỷ đồng.


Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
trao Bằng công nhận và Công trình phúc lợi trị giá 01 tỷ đồng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Nhuận.
Nguồn: tienggiang.gov.vn

Trong đó: Ngân sách Trung ương là 944.040 tỷ đồng, cụ thể: Trái phiếu chính phủ: 77 tỷ đồng; Vốn đầu tư phát triển: 657,640 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp kinh tế: 209,400 tỷ đồng.

Tính đến 29/02/2020, toàn tỉnh có 97 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (tăng thêm 85 xã so với thời điểm cuối năm 2015); Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 16,9 tiêu chí/xã (tăng thêm 11,2 tiêu chí so với thời điểm năm 2010 và tăng thêm 5,2 tiêu chí so với thời điểm cuối năm 2015); không còn xã đạt dưới 05 tiêu chí; không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới; kết quả đạt được của các xã đã được công nhận nông thôn mới đảm bảo đúng thực chất (không có tình trạng cho nợ tiêu chí khi thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Kết quả thực hiện các tiêu chí phân theo nhóm như sau: Nhóm 1 (đạt 19/19 tiêu chí): 97/143 xã, chiếm 67,83%. Số xã đạt 19/19 tiêu chí tăng thêm 85 xã so với thời điểm cuối năm 2015. Nhóm 2 (đạt từ 15 đến 18 tiêu chí): 08 xã, chiếm 5,59%. Nhóm 3 (đạt từ 10 đến 14 tiêu chí): 34 xã, chiếm 23,7,8%. Nhóm 4 (đạt từ 5 đến 10 tiêu chí): 04 xã, chiếm 2,79%.

Với kết quả này, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra đến năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn) và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (chỉ tiêu giao đến năm 2020 tỉnh Tiền Giang phải đạt 70 xã).

Trên cơ sở hướng dẫn và định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 1345/BNN-VPĐP ngày 08/02/2018 về việc hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 3161/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Đồng thời, có văn bản phân công trách nhiệm từng sở, ngành tỉnh có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hiện nay, trên cơ sở đăng ký của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và đề xuất của Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đang xem xét lựa chọn mỗi đơn vị hành chính cấp huyện 01 xã (trừ huyện Tân Phú Đông do chưa có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) để hướng dẫn, hỗ trợ phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2019 - 2020 (làm điểm để nhân rộng); phấn đấu trong năm 2020 có từ 08 đến 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tiếp theo đó, sẽ xem xét đến việc hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 (nếu có điều kiện, trên cơ sở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉnh Tiền Giang có 01 thành phố (thành phố Mỹ Tho) và 02 thị xã (thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 02 huyện (huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Đông) được thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Nhìn chung, sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2020); Đến nay, với sự nỗ lực không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh; được đa số Nhân dân tích cực tham gia, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác lập,... góp phần quyết định trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng như hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay, với 97/143 xã đạt chuẩn (tăng thêm 85 xã so với năm 2015), tỉnh đã hoàn thành mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn trước hơn 1 năm so với nghị quyết của Tỉnh ủy, của Hội đồng nhân dân tỉnh và vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (chỉ tiêu giao đến năm 2020 tỉnh Tiền Giang phải đạt 70 xã).

Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình đã có mức phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn của tỉnh có chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%; Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ số xã đạt chuẩn của tỉnh đã cao hơn tỷ lệ bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Mức độ, chất lượng đạt chuẩn của các xã trong các năm gần đây đều cao hơn so với các xã ở giai đoạn trước.

Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có 100% số xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Có 100% đơn vị cấp huyện (11/11 đơn vị cấp huyện) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hoặc đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ và có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đến cuối năm 2025 tăng thêm ít nhất 1,6 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm theo chuẩn của từng giai đoạn./.

 

Anh Cao