Tây Ninh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

06/01/2020 02:39
  • Print
  • Lượt xem: 3256

Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có về tài nguyên đất đai, điều kiện khí hậu, tỉnh Tây Ninh đang tập trung triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, với quyết tâm trở thành "thủ phủ rau sạch" trong tương lai. Ðể thực hiện, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, quỹ đất, cơ chế, thì công tác thu hút các nhà đầu tư cũng đang được đẩy mạnh.


Ông Huỳnh Biển Chiêu chăm sóc mãng cầu trồng theo quy trình VietGAP.

Hướng tới sản xuất hàng hóa lớn

Ðầu năm 2017, tỉnh Tây Ninh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm thực hiện phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hội nhập thị trường quốc tế. Lý giải về quyết định nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho rằng: Tây Ninh có nhiều điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, như: Quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm hơn 85% diện tích đất tự nhiên (tương đương 370 nghìn ha); địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi để cơ giới hóa theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đất đai phù hợp nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường. Về thủy lợi, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng đáp ứng đủ yêu cầu cho tưới tiêu trong nông nghiệp.

Tuy có nhiều thuận lợi, song, người dân Tây Ninh từ nhiều năm nay vẫn chưa thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình và luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất có hiệu quả, đạt năng suất cao. Việc Tây Ninh tiên phong triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp được xem là một giải pháp lớn giúp nông dân tìm ra câu trả lời. Tây Ninh đã triển khai việc tạo quỹ đất khoảng 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch rau, củ, quả chuyên canh khoảng 1.000 đến 1.500 ha đến năm 2020 và 4.000 ha đến năm 2030. Từng bước phát triển nông nghiệp đô thị tại các huyện, trong đó tập trung phát triển các loại rau, quả công nghệ cao, hoa, cây cảnh với diện tích 1.000 ha đến năm 2030. Xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.

Trước quyết tâm thay đổi nền nông nghiệp tỉnh nhà của Ðảng bộ, chính quyền, người dân cũng đã hưởng ứng với nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao. Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đã "đi tắt đón đầu" để triển khai đề án về nông nghiệp công nghệ cao. Lão nông trồng mãng cầu (na) Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) là một điển hình, ông Chiêu đã làm thương hiệu cho trái mãng cầu bà Ðen (vốn là trái cây nổi tiếng tại Tây Ninh) từ 5 năm trước. Hiện, ông Chiêu có 17 ha mãng cầu được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu đã có nhiều khách hàng trong nước tìm đến đặt hàng và đã xuất khẩu đến một số quốc gia trên thế giới.

Ở một số địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đốn bỏ cây trồng hiệu quả thấp, đầu tư trồng các giống cây cho năng suất cao, có đầu ra ổn định như: Vườn chanh dây rộng 66 ha của ông Nguyễn Văn Còn, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, hay như vườn chanh dây của ông Trần Văn Hưng ở xã Tân Ðông, huyện Tân Châu. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 110 ha chanh dây được các hộ dân triển khai trồng, bước đầu cho những kết quả rất tích cực. Ðối với dự án trồng khóm (dứa) của ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng bước đầu đã có những điều kiện thuận lợi. Khi nhận được sự cam kết tiêu thụ sản phẩm từ doanh nghiệp, ông Sáu đã đầu tư triển khai 200 ha ở vùng đất quanh năm chua phèn nhiễm mặn bỏ không nhiều năm nay để trồng khóm và đang phát triển rất tốt. Ðáng mừng, tất cả các sản phẩm của nông dân này đều đã được Công ty cổ phần Lavifood (trụ sở tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ký hợp đồng bao tiêu.

Nhiều chính sách linh hoạt, hiệu quả

Khi quyết định triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thực hiện nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, ra đề án thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ðề án có những điểm nhấn để tạo sự quan tâm của các nhà đầu tư như: Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu nằm trong danh mục quy định ưu tiên có quy mô từ 50 ha trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống; cơ sở sản xuất giống cây mắc-ca quy mô 500 nghìn cây giống/năm trở lên có mức hỗ trợ cao nhất 70% chi phí đầu tư/cơ sở. Về hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy nông sản, công suất ít nhất 150 tấn sản phẩm/ngày, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ hai tỷ đồng/dự án đối với sấy lúa, bắp, khoai; hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức không quá năm tỷ đồng/dự án để nhà đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản... Nông dân được hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ hai cho chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên. Ðể bảo đảm tính bền vững, cam kết lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng đặt ra một số yêu cầu đối với nhà đầu tư, đó là: Các nhà đầu tư phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định, giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất hai lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP và trồng tập trung với diện tích từ 10 đến 20 ha trở lên, công suất chế biến đạt 20 tấn sản phẩm/ngày; có vùng nguyên liệu bảo đảm ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu; có hệ thống sơ chế, bảo quản, kho chứa và cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hợp đồng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Võ Ðức Trong, thời gian qua, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đã đến và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, hiện các sở, ngành đang tiến hành đánh giá năng lực của các nhà đầu tư để hướng đến đầu tư và sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Trao đổi về công tác phát triển thu hút đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Bên cạnh công tác quy hoạch quỹ đất sạch, đào tạo đội ngũ nhân lực, người dân làm nông nghiệp…, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh hoàn thiện và đổi mới các cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng thực hiện việc nghiên cứu, vận dụng tốt các chính sách của Trung ương đã ban hành vào điều kiện thực tế của tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành cho phù hợp tình hình thực tế, xây dựng và ban hành một số chính sách mới; phát triển đối tác công - tư với các công ty nước ngoài nhằm kết nối sản xuất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ðồng chí Trần Lưu Quang dẫn chứng: Việc Công ty Lavifood quyết định xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng (sẽ bao tiêu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân tỉnh Tây Ninh) cho thấy quyết tâm đưa Tây Ninh thành "thủ phủ rau sạch" là rất nghiêm túc.

Công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh đang đạt những kết quả thuận lợi khi có sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với tổng nguồn vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng đã được ký kết. Quyết tâm đã có, tiềm năng đã sẵn sàng "thức giấc", cho nên hành động của chính quyền, sự đồng lòng của người dân trở thành điều kiện quan trọng để biến những mục tiêu, ước mơ thành hiện thực. Chắc chắn những mục tiêu này và quyết tâm tích cực sẽ xóa bỏ những rào cản, khó khăn về chính sách, quy định để hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển và bền vững.


Nguồn: https://www.nhandan.com.vn/