Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh tặng Giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện mô hình điểm “Chi hộ phụ nữ 5 không, 3 sạch" xây dựng nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình quan trọng, phù hợp với nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực phục vụ đời sống nhân dân, là tiền đề để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Đây là một trong những mục tiêu được Đảng và nhà nước quan tâm, nhằm xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Để chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện/thành phố hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở tổ chức triển khai, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 tiêu chí "5 không" gồm: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 tiêu chí "3 sạch" gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ gắn với triển khai, thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận các chương trình, đề án, hoạt động của hội, các nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng thời, triển khai các hoạt động hiệu quả, nổi bật nhằm nâng cao chất lượng mô hình “Phụ nữ với xây dựng nông thôn mới”, xây dựng các mô hình thực hiện cuộc vận động phù hợp từng nhóm đối tượng; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ các hộ gia đình chưa đạt 5 không, 3 sạch; lựa chọn công trình/phần việc thiết thực thực hiện cuộc vận động đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp tham gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Tây Ninh.
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNGThực hiện tiêu chí “Gia đình không đói nghèo” của cuộc vận động, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trong tỉnh tham gia phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Thông qua hình thức vận động phong phú như hội viên, phụ nữ khá, có điều kiện giúp hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn về vốn, giống, phương tiện sản xuất/kinh doanh không tính lãi; thành lập các tổ/nhóm giúp nhau, như nhóm phụ nữ 3 trong 1(2 chị khá giúp 1 chị có hoàn cảnh khó khăn), tổ phụ nữ 3 biết, 2 hỗ trợ (biết mặt, hoàn cảnh, nhu cầu hội viên; hỗ trợ vốn - phương tiện làm ăn và kiến thức), tổ phụ nữ không đói nghèo, tổ ngành nghề, tổ học nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ con giống; tổ đầu công, vần đổi công, góp vốn xoay vòng, tổ phụ nữ hỗ trợ hội viên mua bảo hiểm y tế (BHYT)...
Thông qua các hoạt động, các tổ/nhóm, hội viên, phụ nữ được hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm (về sản xuất, chăn nuôi, phát triển ngành nghề). Cụ thể, đã có 26.912 chị được đào tạo nghề theo nhu cầu, 85.289 chị được giới thiệu làm các công việc theo thời vụ, với thu nhập hàng ngày từ 150.000 đồng đến 180.000 đồng; 49.284 chị được giới thiệu vào làm việc tại các xí nghiệp, công ty, cụm công nghiệp trên địa bản tỉnh; 33.109 phụ nữ nghèo làm chủ hộ và chủ lực về kinh tế được hội giúp bằng nhiều hình thức với tổng trị giá trên 132 tỷ đồng; 12.718 lượt cán bộ chi, tổ hội và hội viên, gia đình phụ nữ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT,… trị giá trên 8,7 tỷ đồng; đồng thời, đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia BHYT được 237.048 thẻ.
Thực hiện Dự án “Hỗ trợ trâu/bò sinh sản cho hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã trao 302 con trâu/bò sinh sản cho 302 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, trị giá 7,284 tỷ đồng; đã phối hợp câu lạc bộ ((CLB) Phụ nữ từ thiện trao tặng 170 con bò sinh sản, trị giá 3,651 tỷ đồng. Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng - Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng 5 con bò sinh sản cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại 5 huyện biên giới, với tổng trị giá 75 triệu đồng.
Thông qua việc kết nối các nguồn lực, các cấp hội đã hỗ trợ vốn, phương tiện kinh doanh cho 1.011 chị khởi sự/phát triển kinh doanh, với tổng số tiền 5,106 tỷ đồng; đã xây tặng 618 “mái ấm tình thương”, sửa chữa 18 căn nhà cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn không có điều kiện về nhà ở, với tổng trị giá trên 22,4 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua các hoạt động, đã giúp 5.407 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo làm chủ hộ, chủ lực về kinh tế thoát nghèo và trên 50 ngàn hội viên, phụ nữ có việc làm và thu nhập ổn định. Các hoạt động của các cấp hội có tác động tích cực, hiệu quả đến việc thực hiện tiêu chí 9 về nhà ở, tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo, tiêu chí 12 về lao động có việc làm, tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí 15 về BHYT của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới.
- Năm 2010, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 không: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên (nay là: không vi phạm chính sách dân số), không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) trong các cấp hội.
- Từ những hiệu quả thiết thực của cuộc vận động, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đưa cuộc vận động thành một nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 1600 ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Đây không chỉ là sự ghi nhận kịp thời những đóng góp của các cấp hội phụ nữ mà còn tạo cơ chế, động lực mới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức hội trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
HỖ TRỢ NÂNG CAO KIẾN THỨC, CHẤP HÀNH PHÁP LUẬTĐể góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí “Gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật vàtệ nạn xã hội”, tiêu chí “Gia đình không có bạo lực”, “Gia đình không sinh con thứ ba trở lên”(nay là tiêu chí “Gia đình không vi phạm chính sách dân số”), “Gia đình khôngcó trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học” của cuộc vận động, các cấp hội trong tỉnh đã thành lập các CLB/tổ/nhóm, với các tên gọi như: CLB 4 giảm; CLB/gia đình không sinh con thứ batrở lên; Tổ phụ nữ dân tộc với pháp luật; Địa chỉ tin cậy cộng đồng; Người cha tốt của con, mẹ và con gái; Gia đình không có bạo lực; “Nuôi heo đất” ủng hộ quỹ học bổng Trần Thị Sanh hỗ trợ nữ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học....
Thông qua sinh hoạt định kỳ, với các hình thức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tài liệu, hát, hò, vè, diễn tiểu phẩm, xem video, đĩa... các thành viên được cung cấp các kiến thức về pháp luật, nguyên nhân và hậu quả của việc vi pháp pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội, của bạo lực gia đình và các biện pháp phòng, chống; các kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo dục trẻ vị thành niên; phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em, các kiến thức về Pháp lệnh dân số, lợi ích của việc sinh ít con, vấn đề bình đẳng trong kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; kiến thức-kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, các mối quan hệ trong gia đình…
Cùng với đó, các thành viên tổ/nhóm/CLB thường xuyên rà soát, kịp thời nắm thông tin về các hộ gia đình có bạo lực, con suy dinh dưỡng, bỏ học hoặc có nguy cơ bạo lực,con chưa ngoan, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình… Từ đó, có kế hoạch gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân để tư vấn, hòa giải; đồng thời, đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh, nhằm giải quyết nguyên nhân gây ra bạo lực, hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học.
Cụ thể, các tổ/nhóm/CLB đã tuyên truyền đến hàng chục ngàn lượt hội viên, phụ nữ; tư vấn, hỗ trợ, hòa giải 1.345 trường hợp liên quan đến hôn nhân/bạo lực/mâu thuẫn gia đình, sống hòa thuận, hạnh phúc; hỗ trợ trên 220 thanh niên có nguy cơ phạm tội hiểu về pháp luật, từ đó chấp hành tốt; giúp đỡ, động viên 40 phụ nữ chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương với hoạt động cụ thể như tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, biểu dương các chị thực hiện tốt công tác tái hòa nhập,...; cung cấp thông tin cho ngành công an trên 400 vụ/nguồn tin có giá trị về các vi phạm pháp luật. Từ trong phong trào, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các hội viên nghèo, ủng hộ xây dựng nhà văn hoá, trao quà cho học sinh nghèo vượt khó; có nhiều chị được công an và chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng.
Hằng năm, nhân dịp khai giảng, kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cấp hội tổ chức đập heo đất và vận động mạnh thường quân trao học bổng, trao tặng 15.288 suất học bổng cho nữ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; 306 xe đạp; hàng chục ngàn quyển tập; hàng trăm bộ sách giáo khoa, bộ bàn học, hàng chục ngàn phần quà với tổng trị giá trên 8 tỷ đồng. Các hoạt động hữu ích này đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí 14 về giáo dục, tiêu chí 16 về văn hóa, tiêu chí 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí 19 về quốc phòng và an ninh của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, THỰC HIỆN AN TOÀN THỰC PHẨMNhằm giúp các tầng lớp phụ nữ hình thành thói quen tiết kiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện tốt tiêu chí “Sạch nhà, Sạch bếp, Sạch ngõ” của CVĐ, các cấp hội tiếp tục nâng chất/nhân rộng các tổ/nhóm có nội dung liên quan “3 sạch” với các tên gọi như: Tổ phụ nữ 3 sạch, Tổ phụ nữ không rác, Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, Tổ phụ nữ xách giỏ đi chợ, Nhà sạch-vườn đẹp, Tuyến đường hoa,… Trong đó, nổi bật là mô hình: Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn, Tiết kiệm xanh, Đoạn đường không bóng tối.
Thực hiện chiến dịch truyền thông“Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn” tại 95 xã/phường/thị trấn, với các chuỗi hoạt động như: tuyên truyền về an toàn thực phẩm (ATTP), cấp tờ rơi, biểu diễn tiểu phẩm, hái hoa dân chủ, phát câu chuyện truyền thanh,..., các cấp hội đã vận động 3.138 hộ đăng ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe, dán 280 logo“Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn” tại điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán thực phẩm, trao 5.800 chiếc móc khóa tuyên truyền về ATTP. Đồng thời, đã nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình 75 tổ phụ nữ với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); sản xuất, chăn nuôi sạch, an toàn với 813 thành viên ở 51/95 cơ sở hội. Các hoạt động giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATVSTP, nâng cao nhận thức của các tầng lớp phụ nữ, các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản về vai trò, tầm quan trọng của môi trường và ATTP đối với sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng và sự phát triển của xã hội.
Phát huy hiệu quả mô hình “Tiết kiệm xanh” ở 95/95 cơ sở hội, với các tên gọi: Chuyển rác thành tiền, Tổ thu gom ve chai, Tổ tiết kiệm thu gom phế liệu,... Qua hoạt động, các tổ/nhóm đã tiết kiệm 553 triệu đồng, giúp 206 phụ nữ, 350 trẻ em nghèo, khó khăn với số tiền 540 triệu đồng. Mô hình đã được cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng, được cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đánh giá cao. Với sự chủ động, sáng tạo của các cấp hội, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự tích cực, nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ hội, sự hưởng ứng, ủng hộ của các tầng lớp phụ nữ, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân,... phong trào “Phụ nữ Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đạt nhiều kết quả tích cực.
Tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các công trình, phần việc hữu ích, thiết thực, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động các tầng lớp phụ nữ đóng góp, hiến 1.876,5m đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng 2 cây cầu dân sinh trị giá 287 triệu đồng, thực hiện trên 77 tuyến đường hoa, 30 đoạn đường không bóng tối, tổng chiều dài trên 10km.
Qua đó, góp phần làm đẹp cảnh quan các tuyến đường, thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp người dân thuận tiện khi đi lại, đảm bảo an toàn, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Các hoạt động đã tác động tích cực đến việc thực hiện tiêu chí 2 về giao thông, tiêu chí 17 về môi trường và ATTP của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp phụ nữ, của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành công việc hàng ngày của cán bộ, hội viên, phụ nữ và là nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi/tổ hội. Các chị em phụ nữ được đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, nuôi dạy con em tốt và góp phần phát huy vai trò, vị trí quan trọng của gia đình trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; giúp cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ rèn luyện, phát huy đức tính cần, kiệm, tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, môi trường sống.
Việc triển khai sâu rộng phong trào và cuộc vận động này trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực, hiệu quả đến quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, góp phần thực hiện hiệu quả 11/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5, không 3 sạch" và phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” tham gia xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ cũng như tác động của cuộc vận động và chương trình xây dựng nông thôn mới đối với địa phương, đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, cổ vũ, động viên nhân dân, chị em hội viên các cấp hội tham gia tích cực để xây dựng nông thôn mới của tỉnh giàu đẹp.
Hai là, gắn kết chặt chẽ các nội dung thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các hoạt động, phong trào của hội và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với nội dung 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, với thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Ba là, phát huy hiệu quả hoạt động các tổ/nhóm/CLB phụ nữ thực hiện các tiêu chí của cuộc vạn động, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ hiệu quả các hộ gia đình chưa đạt 5 không, 3 sạch hằng năm. Vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập nâng cao nhận thức, kỹ năng về xây dựng gia đình, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về bảo vệ môi trường; tham gia xây dựng mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch", "Tiêu dùng sạch"; mô hình “Giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt”, các chương trình mục tiêu quốc gia “Phòng chống trẻ suy dinh dưỡng”, “Nước sạch vệ sinh môi trường”; đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức hoạt động xoá mù chữ cho hội viên, phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn và cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng.
Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò, nội lực, khẳng định vị trí của chị em phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng về thực hiện cuộc vận động, thiết thực xây dựng nông thôn tỉnh Tây Ninh giàu đẹp, văn minh./.
Nguồn: http://www.tuyengiao.vn/