Làm giàu từ cây dược liệu và du lịch
Chúng tôi đến Hà Giang khi mùa hoa tam giác mạch bắt đầu nở rộ. Những dòng người trên ô tô, xe máy nườm nượp đổ về để ngắm nhìn, thưởng thức loài hoa dân dã này. Thật bất ngờ, chính những du khách lại góp phần đem đến cho Hà Giang một sinh khí mới, một động lực trong thực hiện đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần quan trọng để xây dựng NTM thành công.
Thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) nằm dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú từ khi được xây dựng thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Gia đình anh Sình Rỉ Gai là 1 trong 6 hộ dân ở thôn Lô Lô Chải, tham gia dịch vụ homestay (du lịch cộng đồng) từ năm 2015. Anh hào hứng chia sẻ: "Trước đây chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, mà mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Vì thế, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi có dịch vụ du lịch, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện nhiều. Hiện gia đình tôi có hơn 20 khách đang nghỉ tại nhà. Cả bản đang có 50 khách lưu trú. Dịch vụ du lịch giúp gia đình tôi có thu nhập 40 triệu đồng/năm".
Anh Vàng Thìn Nghì, dân tộc Bố Y, thôn Đông Tinh (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) lại trồng cây dược liệu để phát triển kinh tế gia đình. Diện tích trồng 15ha dược liệu, gồm: Xuyên khung, bạch chỉ, đương quy, cát cánh, tục đoạn, hoàng cầm… đem về cho gia đình anh tiền lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Để có diện tích trên, gia đình anh thuê đất của bà con. Theo anh Nghì, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 5-10 lần so với cây trồng khác. Cũng nhờ trồng cây dược liệu, không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Nghì còn tạo việc làm cho một số nông dân tại địa phương. Mỗi lao động được anh trả 120.000 đồng/ngày. Hiện nay, mô hình trồng cây dược liệu của gia đình anh luôn duy trì 25-28 lao động với mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Xã Sủng Là lựa chọn sản xuất sản phẩm thổ cẩm để phục vụ khách du lịch
Chọn sản phẩm phù hợp, tạo việc làm cho người dân
Ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là, huyện Đồng Văn cho biết: "Việc phát triển, khôi phục các nghề truyền thống đã được xã đặc biệt quan tâm. Hiện xã đã thành lập các tổ nghề truyền thống như: May mặc (27 hộ); dệt lanh (19 hộ), với các mặt hàng truyền thống, như: Túi, ví, khăn thổ cẩm... phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
Chúng tôi được biết tỉnh Hà Giang xác định những lợi thế để phát triển gồm: Cây chè, cây cam, con bò, cây dược liệu, nuôi ong mật và trồng rừng làm kinh tế kết hợp với làm du lịch cộng đồng. Riêng với cây dược liệu, tỉnh Hà Giang lựa chọn, xây dựng đề án phát triển cây dược liệu gắn với đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sự lựa chọn phát triển cây dược liệu của tỉnh Hà Giang được một số chuyên gia về kinh tế cho rằng rất hợp lý, bởi ở nơi vốn thừa đá, thiếu đất, trong khi khí hậu, thổ nhưỡng lại rất phù hợp với cây dược liệu. Đến nay, chỉ tính riêng huyện Quản Bạ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến dược liệu, nâng tổng diện tích cây dược liệu lên gần 3.000ha gồm: Thảo quả, hương thảo, đương quy, xuyên khung...
Tiếp chúng tôi, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đinh Chí Thành hồ hởi: "Để giúp người dân phát triển kinh tế, huyện giao cho từng đoàn thể, phòng, ban chức năng những nhiệm vụ cụ thể, trực tiếp giúp đỡ từng xã, từng nhóm hộ gia đình. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 18 triệu đồng/năm. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì các xã: Sủng Là, Lũng Cú, Sà Phìn, Phố Cáo đạt 10-13 tiêu chí, 13 xã còn lại đạt 5-7 tiêu chí. Năm 2018, huyện sẽ dồn sức cho các xã đã đạt nhiều tiêu chí phấn đấu hoàn thành xã đạt chuẩn NTM. Cùng với giúp dân lựa chọn các nông sản có lợi thế đã được đăng ký thương hiệu, xuất xứ sản phẩm: Mật ong bạc hà, xúc xích, thịt treo, nhân quả óc chó, các sản phẩm chế biến từ tam giác mạch…".
Nhìn rộng hơn, đến nay, tỉnh Hà Giang đã có 19 xã đạt chuẩn NTM, cùng với đó 4 xã khác đã đạt từ 15 đến 19 tiêu chí. Lời một cán bộ Văn phòng điều phối xây dựng NTM ở Hà Giang khiến tôi nhớ mãi: Hà Giang xây dựng NTM không chỉ bằng những con đường hay trạm y tế mà chúng tôi xác định phải xây dựng mỗi xã một sản phẩm dựa trên “khai mở”, “đánh thức” tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm nông sản kết hợp phát triển du lịch để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ khi người dân có thu nhập ổn định thì việc xây dựng NTM mới thực sự thành công và bền vững./.
Nguồn: http://nongthonmoi.gov.vn