Cao Bằng: Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

22/12/2020 11:49
  • Print
  • Lượt xem: 1051

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 6.724,6k2, bằng 2,12% diện tích tự nhiên toàn quốc; đất nông nghiệp chiếm hơn 9%; đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối chiếm hơn 90%. Tỉnh có 12 huyện và 01 thành phố, với 199 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh là 530.341 người, trong đó: dân số thành thị là 123.407 người, chiếm 23,27%; dân số nông thôn là 406.934 người, chiếm 76,73%; có 177 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình).

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng xã Hưng Đạo (Thành phố) ngày càng khang trang. Nguồn: tnmtcaobang.gov.vn

Trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn lực huy động là 15.050,2 tỷ đồng, cụ thể:

Giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình 7.295,2 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Nhà nước là 7.173,3 tỷ đồng, chiếm 98,33%, bao gồm: vốn trực tiếp từ Chương trình là 396,8 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ Chương trình 135, Chương trình 30a và các chương trình khác là 6.776,5 tỷ đồng. Vốn tín dụng là 1,1 tỷ đồng, chiếm 0,02%. Vốn huy động từ các doanh nghiệp là 45,9 tỷ đồng, chiếm 0,63%. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 74,8 tỷ đồng, chiếm 1,02%.

Giai đoạn 2016 - 2019, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình là 7.755 tỷ đồng (tăng 6,3% so với giai đoạn 2010 - 2015). Trong đó: Ngân sách Nhà nước là 7.500,4 tỷ đồng, chiếm 96,71% bao gồm: vốn trực tiếp từ Chương trình là 1.908,2 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ Chương trình 135, Chương trình 30a và các chương trình khác là 5.592,2 tỷ đồng. Vốn tín dụng là 2,2 tỷ đồng, chiếm 0,03%. Vốn huy động từ các doanh nghiệp là 70,7 tỷ đồng, chiếm 0,92%. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 181,7 tỷ đồng, chiếm 2,34%.

Nguồn lực huy động giai đoạn 2016 - 2020 tăng so với giai đoạn 2010 - 2015 là 6,3%. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn lực huy động đã có sự thay đổi: Nguồn lực từ Trung ương giảm 1,62%; huy động từ các nguồn khác đều tăng (tín dụng tăng 0,01%, doanh nghiệp tăng 0,29%, cộng đồng dân cư tăng 1,32%).

Đến hết năm 2018, bình quân đạt 9,61 tiêu chí/xã, đạt 99,59%, mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, dự kiến hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao (9,65 tiêu chí/xã); tăng bình quân 7,61 tiêu chí/xã so với rà soát năm 2011 (bình quân 2,0 tiêu chí/xã); tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí; toàn tỉnh có 15 xã (8,47% trên tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75% mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ giao (20 xã đạt chuẩn nông thôn mới); có 02 huyện đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Hòa An, huyện Hà Quảng), 05 huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Phục Hòa, Hạ Lang, Thông Nông).

Các huyện có bình quân tiêu chí cao như: thành phố Cao Bằng (15,33 tiêu chí/xã), huyện Phục Hòa (12,29 tiêu chí/xã), huyện Trà Lĩnh (12,11 tiêu chí/xã). Bình quân tiêu chí trên một đơn vị xã của các huyện đều tăng so với giai đoạn 2010 - 2015, tăng cao như huyện Phục Hòa 6 tiêu chí/xã, thành phố Cao Bằng 5,7 tiêu chí/xã, huyện Trà Lĩnh 5,6 tiêu chí/xã. Một số huyện có tiêu chí bình quân/xã tăng chậm dưới 2 tiêu chí/xã (Thông Nông và Hạ Lang).

Đến hết năm 2020, dự kiến đạt bình quân 12 tiêu chí/xã; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó năm 2019 dự kiến đạt 5 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 25 xã; tỉnh sẽ hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Thủ tướng Chính phủ giao (có 02 xã đạt chuẩn sớm hơn kế hoạch 01 năm là xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình và xã Đức Long, huyện Thạch An).

Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động đã đi vào chiều sâu, các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện bằng các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch cụ thể; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, chủ động, đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới” do tỉnh phát động.

Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp (tỉnh, huyện, xã) đã được thành lập, từng bước kiện toàn theo hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các phòng ban chuyên môn của huyện, thành phố đã xác định rõ trách nhiệm được giao, chủ động trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt trong quá trình thực hiện.

Việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương, của tỉnh được kịp thời, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi trong huy động nguồn lực, tổ chức quá trình thực hiện các tiêu chí và không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng được khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân.

Năm 2020, tỉnh Cao Bằng phấn đấu 7 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí của 20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới/xã là 12 tiêu chí. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho Nhân dân, thu nhập tăng thêm ít nhất 1,5 lần so với năm 2015.

Triển khai có hiệu quả Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ các thôn, bản, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2020 của các xã khó khăn, khu vực biên giới, vùng cao của tỉnh.

Đồng thời, tập trung nguồn lực hỗ trợ xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới, để thành phố Cao Bằng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh đề ra./.

 

Anh Cao