Bài dự thi: Làm giàu ở nông thôn: Ương cá mè dinh "rinh" 3 Huân chương Lao động

22/10/2018 15:24

TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI

“BÁO CHÍ VIẾT VỀ NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP" GIAI ĐOẠN 2017-2020
Tác giả: Trần Đáng, Dân Việt 

Cũng chính nhờ kinh nghiệm, khả năng ương cá tốt, giúp nhiều hộ nông dân trong ấp, ngoài xã thoát nghèo, vươn lên khá giả mà lão nông Âu Văn On đã được nhà nước tặng 3 Huân chương Lao động, trong đó có 2 Huân chương Lao động hạng Ba và 1 Huân chương Lao động hạng Nhì. Mới đây, ông Âu Văn On được bình chọn là một trong 24 gương mặt nông dân tiêu biểu của 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và 5 năm chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”...
Cách đây hơn 20 năm, lão nông Âu Văn On là 1 trong những người tiên phong trong nghề ương cá giống,
góp phần làm nên 1 xã Hậu Mỹ Bắc A trù phú, nông thôn mới như ngày hôm nay
 

Duyên nợ với loài cá đặc sản

Như đã hẹn, chúng tôi tìm đến nhà ông Hai On (ấp Mỹ Chánh 4). Tại trại ương cá, ông Hai On đang lui cui chăm nom 2 triệu con cá trôi bột và 20 triệu con cá mè dinh bột. Đây là số cá giống ông và gia đình đang ngày đêm chăm sóc và chờ khách hàng khắp các tỉnh miền Tây đến lấy.

Lão nông đã ở tuổi cao niên nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát, đặc biệt ông sôi nổi hẳn lên khi chúng tôi nói nhắc lại ký ức một thời nổi tiếng của làng nghề ương cá giống mà ông là một trong những người tiên phong.
Ông Âu Văn On kiểm tra cá bột sau khi cho ương. ảnh:Trần Đáng

Theo hồi ức, ông Hai On theo nghề ương cá cũng chỉ vì thấy con cá mè dinh - một loại cá đặc trưng ở miền sông nước Nam Bộ, đang tiến tới thời kỳ tuyệt chủng. “Khoảng giữa thập kỷ 80  của thế kỷ trước, không hiểu sao cá mè dinh dần dà biến mất. Trong ao, dưới sông rất khó tìm thấy bóng dáng cá mè dinh. Tiếc con cá quá, tui sục sạo dưới ao, dưới sông bắt từng con rồi gom góp mang đến Viện Nghiên cứu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long nhờ cán bộ của Viện chỉ cách ương để gầy giống lại” - ông Hai On thổ lộ.

Sau bao ngày theo học các cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long, ông Âu Văn On cũng nắm trong tay được kỹ thuật ương giống cá mè dinh. Ông mừng lắm, lập tức về quê về làm trại ương cá. “Lúc bấy giờ nước ta mới thoát khỏi cảnh thiếu lương thực. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã qua mấy mùa cho xuất khẩu gạo và mọi gia đình, địa phương đang háo hức với những thành tích xuất khẩu gạo năm sau luôn cao hơn năm trước. Bởi vậy, chính quyền đâu có cho lấy đất ruộng lúa để đào ao nuôi cá. Bí quá, tui be đất ruộng cao 3 – 4cm rồi lấy vải nylon của trái sáng (pháo sáng) lót làm ao. Được cái, cá mè dinh cũng dễ ương giống, ao ương dã chiến mà cá ương vẫn thành công, tỷ lệ đạt rất cao” - ông Âu Văn On nhớ lại.

Tuy nhiên, thấy làm ao kiểu dã chiến này không cho năng suất ương cao, ông On đã mở rộng diện tích ao ương bằng cách be bờ ruộng rộng vài trăm đến hơn ngàn mét làm ao nuôi cá. Vì cố tình “lách” quy định của chính quyền không cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng từ lúa sang nuôi cá nên ông chỉ có thể be bờ cao 4 -5cm và cứ xoay vòng trong năm một vụ ương cá - một vụ làm lúa…
Cho đến hiện nay, ông Âu Văn On vẫn duy trì nghề ương cá giống như cách đây hơn 20 năm ông từng tiên phong làm. 

“Theo kỹ thuật làm ao ương, độ sâu của nước phải 7cm - 1,2m. Trong khi đó, ao của tui chỉ sâu 4 - 5cm. Mắc cái, nước ao nông nên giữa trưa nắng nhiều thì nước khá nóng, cá ương trong ruộng có nguy cơ bị hấp chín. May tui be bờ nên tạo được nước trong rãnh sâu hơn xung quanh ruộng. Trong cái khó lại ló cái khôn, cá giống gặp nước nóng đã chạy xuống rãnh lấy đất be bờ ao trốn nóng. Mô hình nuôi cá lạ lùng này lại trở thành điểm học kinh nghiệm của nông dân khắp nơi” - ông Hai On cười rộn ràng nhớ lại.

Theo ông Hai On, cá mè dinh được ương thành công đã trở thành một vật nuôi lúc nào cũng “cháy” hàng. Lúc bấy giờ một con cá mè dinh bột giá 500 đồng. Một 1 triệu con cá bột giá bằng 1 chỉ vàng hay 200 giạ thóc. “Đời sống gia đình thay đổi rõ rệt. Bấy giờ, gia đình tui thiếu điều chỉ mua máy bay là không nổi” - ông kể.

Nghề ươm cá giống lên hương

Thấy gia đình ông Hai On đổi đời bằng nghề ương cá mè dinh, nhiều hộ nông dân trong ấp, ngoài xã bắt đầu tới học nghề. Ôn Hai On chẳng giấu giếm điều gì, có bao nhiêu kỹ thuật, kinh nghiệm ương cá ông mang ra chỉ hết cho bà con.

Từ vài ao ương cá nhỏ lẻ, giờ ấp Mỹ Chánh 4 có 150ha ao ương cá bột, cá hương (cá giống) với 80 hộ ương cá. Mỗi năm tại ấp này, nông dân xuất ra thị trường hàng trăm triệu con cá bột, cá hương mè dinh, cá trôi... Theo ông On, hầu hết cá hương mè dinh ở đây làm ra là xuất sang Campuchia. Thương lái cứ đến mua ầm ầm, các hộ làm không kịp bán...
Khi đã được ông Âu Văn On và bà con ấp Mỹ Chánh 4 ương nuôi thành công cách đây hơn 20 năm, ngày nay cá mè dinh - loài cá
đặc sản của đồng bằng Nam bộ đã sinh sôi ngoài sông, rạch và được nuôi phổ biến hơn. Ảnh: Nguyễn Nhân (CATP).


Từ chỗ nghèo khó với 2 vụ lúa/năm, giờ đây hầu hết người dân ấp Mỹ Chánh 4 vươn lên khá giả nhờ ương cá. Thành tựu nổi bật nhất là việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ một xã còn nhiều khó khăn, sản xuất bấp bênh, đến nay, Hậu Mỹ Bắc A đã đa dạng nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi như: nuôi thủy sản, chăn nuôi heo hay chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng rau màu... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất sản xuất, nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân (thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Ông Âu Văn On chia sẻ: "Từ một vùng bị chiến tranh tàn phá, ngày hôm nay Hậu Mỹ Bắc A đã thay đổi hoàn toàn. Điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư thỏa đáng, nhà cửa kiên cố, khang trang, gia đình nào cũng có xe gắn máy, tivi, có gia đình xây cả biệt thự mini... Chẳng bao lâu nữa, Hậu Mỹ Bắc A sẽ phát triển không thua kém một địa phương nào trong huyện. Nhìn quê hương đổi thay từng ngày, tôi phấn khởi vô cùng”./.