An Giang: Kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

22/12/2020 11:51
  • Print
  • Lượt xem: 1566

Xác định xây dựng nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong xây dựng tỉnh An Giang chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương.

Một góc thành phố Long Xuyên - Ảnh báo An Giang

Cùng với cả nước, tỉnh An Giang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, là tỉnh có xuất phát điểm thấp, bằng ý chí lớn, khát vọng cháy bỏng và quyết tâm cao, tỉnh đã xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu (An Giang, Hậu Giang) phong trào xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.

Trong xây dựng nông thôn mới, An Giang chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác. Quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn.

Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên. Từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện cánh đồng lớn giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của tỉnh An Giang được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng. Mỗi năm trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân.

Năm 2019, ước thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích 40.244 ha đạt khoảng 6% diện tích gieo trồng cả tỉnh. Bên cạnh đó, các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản cũng hình thành và phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất, góp phần ổn định lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, đưa mô hình “cánh đồng lớn” đang đi vào thực chất.

Trước khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh An Giang năm 2013 chiếm 33,65%, thu nhập bình quân/người chỉ đạt 32,58 triệu đồng. Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2017, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản giảm còn 29,34%, năm 2018 còn 28,90%, và thu nhập bình quân/người năm 2017 tăng lên 34,33 triệu đồng và đến năm 2018 là 40,7 triệu đồng/người/năm. Sản xuất trồng trọt cũng đã có sự chuyển dịch rõ nét chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như xoài, các loại cây ăn trái khác. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa năm 2013 từ hơn 641.000 ha, đến năm 2018 giảm còn 623.000 ha và năm 2019 giảm còn khoảng 620.000 ha.

Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh An Giang gần 14.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm 18,99%. “Với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, An Giang đã và đang triển khai thi công với tổng số 677 danh mục công trình, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội địa phương…”.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 9,28%, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3,67%; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 92,78%. Mức thu nhập bình quân/người trên địa bàn tỉnh đạt 42 triệu đồng/năm 2018; trong đó thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn là 40,7 triệu đồng/người/năm (gấp 3 lần so với năm 2010). Có 85/119 xã đạt tiêu chí 10 thu nhập, tỷ lệ 71,43%; có 5/11 huyện, thị, thành có tỷ lệ xã đạt 100% số xã về thu nhập là Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, Long Xuyên và Châu Đốc.

 

Anh Cao