BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Triều Nguyễn tinh giản đội ngũ quan lại

03/03/2020 11:26

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra rằng,  tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ... Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp "hàm" ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập,... Trước thực trạng này, một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Vậy từ góc nhìn lịch sử, dưới triều Nguyễn, giải pháp xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả đã được thực hiện như thế nào? 

Các quan triều Nguyễn (ảnh Tư liệu)

Trước triều Nguyễn vài thế kỷ, Vua Trần Nhân Tông đã nhận định về sự bất hợp lý của bộ máy quan lại cồng kềnh ở nước ta rằng: có bao giờ một nước to bằng bàn tay mà lại đặt triều ban nhiều đến thế này? Đến thế kỷ XV, năm 1488, Vua Lê Thánh Tông hạ chỉ đánh giá toàn bộ các quan được bổ dụng từ năm 1461 nhằm tiến tới việc giản chính. Năm 1721 chúa Trịnh Cương cũng tiến hành cuộc tinh giản. Với cuộc tinh giản nhân sự năm 1787 thời Lê Chiêu Thống, số lượng thuộc lại ở sáu bộ giảm 25% so với thời Hồng Đức. 

Dưới thời Nguyễn, việc tinh giản đội ngũ quan lại được coi là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giảm số tiền mà nhà nước phải trả lương cho quan lại hàng năm, mặt khác bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều quan chức cũng là một trong những nguyên nhân của tệ tham nhũng, quan liêu. 

Năm 1829, Vua Minh Mệnh dụ rằng: Đầu đời đương triều đặt viên dịch, so với đời tiên đế có tăng không giảm. Năm gần đây lại nghĩ hai bộ Hộ Binh nhiều việc, đặt thêm nhân viên  so với trước đã gấp rưỡi. Nay nếu cứ theo lời xin thì đến đâu cho cùng? Vả lại các nha môn, người liêm cần giỏi giang tuy không thiếu, mà người lười biếng tầm thường cũng không ít, bởi vì lúc đầu cất nhắc có khi lầm ở lời nói coi dáng mạo mà dùng thực cũng không trách làm gì, hoặc giả nể là người làng hay ngấm ngầm đi lại, đến nỗi quan có người không xứng chức, lại có người không được việc, thế là lỗi ở ai? Nếu không xét đến cùng nguồn gốc mà muốn số ngạch ngày tăng lên, rồi cứ bắt chước nhau mà ngồi rồi ăn không, thì dẫu nhiều mà có ích gì? Nay nên một lòng giữ công bằng trung tín, các người thuộc viên quan trên, thường kiểm xét luôn, giỏi thì tiến lên, hèn thì cho về

Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhận thấy việc hào cường ở nơi hương lý còn có những kẻ mang chức sắc là tuần huyện, ký huyện, trương huyện, tổng hào, tuần tổng hùa nhau làm việc võ đoán, điêu toa xúi kiện, hiếp chế quan trên, doạ nạt lừa gạt dân thường, Bộ Lại tâu xin “cấm hẳn các chức sắc như cai huyện, ký huyện, tuần huyện, trương huyện, tổng hào, tuần tổng, vĩnh viễn không được đặt nữa”, bởi “đã có cai, phó tổng và lý trưởng được đặt theo lệ đã định, đủ để làm việc rồi, sao được ngoài đó lại còn đặt ra những chức dịch khác để đến nỗi sinh ra mối tệ nữa”1.

Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), tỉnh giảm lại dịch trong ngoài để trừ nhũng tệ. Vua dụ rằng: đặt ra quan lại, cốt được người giỏi, bất tất nhiều người làm gì. Vua lại dụ Nội các rằng: trước đây đình thần bàn tỉnh giảm lại dịch ở các địa phương, trẫm đã y cho. Nay nghĩ năm nay gặp khánh tiết ngũ tuần của trẫm, ân điển ban rộng, lại dịch các tỉnh chưa nên vội thải đi. Vậy truyền Chỉ cho các địa phương, hạt nào đã trích lại dịch cho về sổ hạng dân chịu sai dịch rồi thì thôi; hạt nào đã chọn thải mà chưa đăng vào sổ hàng xã, đều cho lưu ngạch như cũ, chia ban chi lương, đợi đến tết Nguyên đán sang năm sẽ theo nghị thi hành2

Châu bản triều Nguyễn thời Thiệu Trị còn lưu nhiều văn bản có nội dung về tỉnh giảm lại dịch. Bản Tấu của Quyền Tuần phủ quan phòng tỉnh Ninh Bình Nguyễn Văn Nhị, vào năm Thiệu Trị thứ 1 cho biết: Hồi tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 21, nhận được tập tâu do các quan bộ Lại cung lục về việc đình thần kính theo Thánh dụ bàn xét việc cắt giảm lại dịch, trong có một khoản trình rằng: Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Biên Hòa, Định Tường, Hà Tĩnh.. . xin đều lưu lại 25 vị nhập lưu thư lại ở Ty Bố chánh và 15 vị nhập lưu thư lại ở Ty Án sát, ngoài ra số còn lại bao nhiêu đều tiến hành cắt giảm. Xin do quan các địa phương theo số được giữ lại, công bằng sát hạch viên nào làm được việc thì cho giữ lại làm việc rồi tập hợp thành sách dâng trình, cấp lương theo lệ để họ thường xuyên làm việc. Ngoài ra các tên còn lại đều cho về làm dân chọn sai phái. Số vị nhập lưu thư lại hiện thiếu ở hai ty Bố chánh, Án sát và phủ Thiên Quan cùng ba huyện Kim Sơn, Yên Hóa, Lạc An xin nên chiếu theo số hiện tại và số chọn ra giữ lại cho chi lương làm việc công để cho đủ người giúp việc. Trừ những tên còn thiếu xin sức cho chiêu mộ sung điền, còn các tên thừa ra chờ đến Tết Nguyên đán, sang Giêng sẽ vâng giải quyết theo nghị định. Chờ lệnh chỉ. Phụng chỉ: Theo y lời tâu3

Một văn bản khác, bản Tấu của Bộ Lại vào năm Thiệu Trị thứ 2 đề cập nội dung: Chúng thần bộ Lại tâu: Phụng xét lại dịch các Ty Phiên Niết tại các tỉnh và lại dịch hai Thừa Tả Hữu, phủ Thừa Thiên trước đây đều đã có quy định ngạch số phân ban chi lương. Sau đó đến tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20, tỉnh thần tuân nghị giảm bớt lại dịch. Lại dịch của các địa phương đều tuỳ theo các hạt lớn, trung bình và nhỏ để sửa định lại số người và do các quan chiếu theo số cần lưu để sát hạch lưu lại chi lương làm việc. Số người thừa ra cho về quê quán chịu sưu sai. Vâng được Thánh chỉ phê chuẩn tại bản tấu đó. Đến ngày tháng 2 năm Minh Mệnh 21 vâng được Thánh dụ: Hãy chiếu theo số hiện có lưu lại như cũ chia ban chi lương, chờ đến tháng Giêng năm tới chiếu theo nghị định thực hiện. Đến ngày tháng 2 năm Thiệu Trị 1, vâng được Thượng dụ: Hãy chuẩn cho lại gia hạn 1 năm, lưu nguyên ngạch chia ban chi lương làm việc, chờ đến tháng Giêng năm tới sẽ tuân theo dụ trước đây giảm biên. Nay đã đến kỳ tỉnh giảm, căn cứ quan các địa phương tập hợp số lại dịch cần lưu lại đệ trình lên. Chúng thần xét thấy việc đặt các ty là tùy theo công việc nhiều hay ít, việc tỉnh giảm lại dịch là cái gốc. Phụng xét lại dịch các tỉnh trước mắt hiện đã giảm bớt, do đó các vị nhập lưu thư lại của các nha tại Kinh đô thiết tưởng cũng nên tùy theo công việc nhiều hay ít mà lượng giảm. Phụng phê: Y tấu4

Năm Tự Đức thứ 21 (1868), do bộ máy nhà nước ngày càng phình to hơn, nhà vua đã cho “giảm ở Kinh 24 nha, từ tứ phẩm thuộc viên đến vị nhập lưu thư lại là 139 viên; ở ngoài 25 phủ, tỉnh, đạo, từ hậu bổ đến thông lại thừa biện là 142 viên, để lại có số nhất định, chi lương ngạch nhất định, cho đều xứng với công việc”5.  Sách Đại Nam thực lục ghi chép cụ thể về việc cắt giảm viên chức và số lượng quan lại ở các cơ quan trung ương và địa phương. Ví dụ: ở Lục Bộ là cơ quan xương sống của chính quyền trung ương, nhà nước đã mạnh dạn bỏ bớt cả lãnh đạo lẫn nhân viên của cả 6 bộ: Bộ Lại bỏ bớt 8 viên, còn lại 66 viên. Bộ Hộ bỏ bớt 13 viên, còn lại 50 viên. Bộ Lễ, bỏ bớt 3 viên, còn lại 110 viên. Bộ Binh, bỏ bớt 7 viên, còn lại 176 viên. Bộ Hình, bỏ bớt 9 viên, còn lại 71 viên. Bộ Công, bỏ bớt 33 viên, còn lại 136  viên6 . Như vậy, sau khi tỉnh giảm, Bộ Binh nhiều nhất 176 viên, ít nhất là Bộ Hộ: 50 viên.

Các địa phương cũng giảm bớt số quan lại để giảm chi phí lương bổng và giảm phiền hà. Số nhân sự của tỉnh nhiều nhất là 173 viên (tỉnh Sơn Tây), ít nhất là 17 viên (tỉnh Hưng Yên), phụ trách toàn bộ công việc trong tỉnh, cho thấy sự linh hoạt của nhà Nguyễn trong quản lý và phân bổ nguồn nhân lực.

Trong tình hình chung tỉnh giảm lại dịch, đề nghị xin thêm người không được phê chuẩn, chẳng hạn nội dung bản Tấu của Bộ Lại vào năm Thành Thái thứ 1 ghi chép: ngày 13 tháng Chạp năm ngoái quan Phủ Nội vụ là Nguyễn Huề làm tập tâu rằng các kho Cẩm tú, Thái phục, vật hạng và nhạc khí của nha đó đã phụng giảm bớt, chỉ lưu lại mỗi kho 3-4 người. Hiện nay do công việc nhiều, nhân viên ít ỏi phân phái không đủ, cúi xin ân chuẩn cho các kho của nha đó như Kho Cẩm tú tăng thêm 1 bát phẩm, Kho Thái phục tăng thêm 1 bát phẩm, 1 thư lại, kho vật hạng thêm 1 bát phẩm, 1 cửu phẩm và 1 thư lại. Kho nhạc khí thêm 1 thư lại để cho đủ phân phái. Bộ thần xét thấy việc tỉnh giảm lại dịch, các bộ nha đều như vậy, nay chỉ một mình nha đó xin tăng thêm, thật phù lạm, xin không nên phê chuẩn. Xin chờ chỉ lục thực hiện. Bản Tấu đã được Vua Thành Thái phê duyệt7

Những nhà cải cách ở nước ta thế kỷ XIX như Nguyễn Trường Tộ cũng cho rằng cần thiết phải giảm bớt quan chức để giảm nhẹ gánh nặng công cộng và chống tham nhũng. Trong chương trình cải cách năm 1867, ông đã đề nghị giảm bớt quan lại với lập luận rằng: Người giỏi hành chính thì một tỉnh đối với họ cũng chỉ như một huyện, một huyện như một tổng mà thôi. Còn người không khéo xử trí công việc thì dù cai quản việc nhà cũng không làm nổi, huống gì một tỉnh một huyện. Đem công việc một tỉnh lớn ra mà nói thì cũng binh, lương, thuế khóa, các ban công vụ có khác nào một tỉnh nhỏ đâu, không thêm bớt một việc gì cả… Hãy xem tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có thể lớn bằng một lần rưỡi nước ta… Một huyện của Trung Quốc có thể tương đương một tỉnh của ta… Trung Quốc có nhiều vị quan xin giảm bớt số viên chức, hợp tỉnh huyện lại, ý cho rằng nhiều quan thì triều đình tốn nhiều lương bổng, dân gian bận rộn đón đưa, yêu sách… Phủ huyện Trung Quốc lớn thế mà còn đòi cắt giảm quan lại, huống hồ là ta…

Nguyễn Trường Tộ cũng cho rằng, chìa khóa của cải cách là nâng cao lương bổng để ngăn chặn tham nhũng, nhưng làm thế nào để khỏi thâm hụt ngân sách nhà nước. Bù đắp vào việc tăng lương cho các quan, bằng tiền tiết kiệm thu được nhờ việc giảm bớt nhiệm sở. Ông cho rằng, thật vô lý khi muốn trị tham nhũng mà lại trả lương rất thấp.

Đến nay, có thể thấy cách tinh giản đội ngũ quan lại, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả của của tiền nhân vẫn là bài học tham khảo quan trọng, có nhiều giá trị đối với tổ chức bộ máy chính quyền nước ta hiện nay./.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb  Giáo dục,  H.2007, tr.234, tr.886.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, Nxb  Giáo dục,  H.2007, tr.659 - 660.
3 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tập 4, tờ 90.
4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tập 21 tờ 145.
5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb  Giáo dục,  H.2007, tr. 1155.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb  Giáo dục,  H.2007, tr. 1155 - 1163.
7 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thành Thái, tập 2 tờ 71.

Hồng Nhung - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Tìm kiếm