BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện

15/10/2010 09:41

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI, Chương XI: Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mục: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có ghi: “Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và một số cơ chế có liên quan để có chủ trương phù hợp”; và “Tổng kết việc thực hiện “nhất thể hoá” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp”.

 Theo như sơ kết, đánh giá qua làm thử, thì cơ bản là tốt. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến lý luận và thực tiễn đất nước. Nên đề nghị Ban Dự thảo và các đại biểu đại hội Đảng cấp tỉnh, thành phố (chưa họp) và Đại hội Đảng toàn quốc cần thảo luận đến nơi đến chốn, cân nhắc kỹ lưỡng cái được, cái mất và hậu quả của nó trước khi quyết định.

Việc thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường bước đầu đã đạt được nhiều thành quả khả quan, tuy nhiên có triển khai đồng bộ hay không cần phải cân nhắc (ảnh có tính minh hoạ). Ảnh: INTERNET

 Về bỏ hội đồng nhân dân huyện, quận, phường

Xét về chức năng hiện tình và trong thực tế của hội đồng nhân dân các cấp này, chủ yếu là quản lý về mặt văn hoá - xã hội theo sự phân cấp của cấp trên. Về mặt kinh tế, hầu như khó có thể đưa ra các quyết định khả thi và có hiệu lực, nên không duy trì tổ chức hội đồng nhân dân các cấp này là cần và đúng. Nhưng phải làm sao có được một tổ chức thay thế có thực quyền và có cơ chế thực hiện có hiệu lực, hiệu quả việc kiểm tra, giám sát chức năng quản lý và điều hành của uỷ ban nhân dân và chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp. Bởi khi quyền lực đã tập trung và một người (chủ tịch) và nhóm người (uỷ ban nhân dân) mà lại không có một tổ chức đứng cạnh làm đối trọng, thì quyền lực sẽ trở thành siêu quyền lực, mà nếu người nắm trong tay siêu quyền lực đó lại bất tài, nhất là thất đức, thất nhân tâm sẽ chuyên quyền, độc đoán và phạm sai lầm; khi mà “nhất thể hoá” nữa thì sự chuyên quyền, độc đoán đó sẽ nhân lên gấp đôi. Trong quản lý, điều hành, nếu dựa vào “cái tâm” là chủ yếu, tức đức trị là chủ yếu thay cho pháp trị, thì khó mà ngăn chặn được lộng quyền, lạm quyền của người nắm chức quyền. Thêm nữa, trường hợp bí thư không được bầu làm chủ tịch - rất có thể xảy ra - thì xử lý thế nào?

Để thay thế cho chức năng kiểm tra - giám sát - “hãm phanh” của hội đồng nhân dân thì phải có cơ chế chặt chẽ và có tổ chức thay thế. Nếu uỷ ban mặt trận tổ quốc cùng các cấp được giao quyền hạn đó thì phải được giao thực quyền và cơ chế để thực hiện được chức năng kiểm tra, giám sát đó.

Về cơ chế đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp uỷ Đảng
 
Trước khi quyết định chính thức vấn đề quan trọng và nhạy cảm này, đề nghị cần đánh giá khách quan cơ chế hiện hành là ban chấp hành Đảng bộ từng cấp bầu ra bí thư cấp uỷ Đảng có nhược điểm, hạn chế gì mà phải thay đổi và sự thay đổi đó đem lại cái lợi gì cho nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng?
Từ thực tế rất nhiều năm, bí thư do ban chấp hành Đảng bộ từng cấp bầu ra đã là sự lựa chọn và tin cậy của đại hội vào ban chấp hành do mình bầu ra, bí thư vừa chịu trách nhiệm trước tập thể ban chấp hành, vừa chịu trách nhiệm trước đại hội. Nay đại hội bầu trực tiếp bí thư, như vậy bí thư chỉ chịu trách nhiệm trước đại hội, mà không chịu trách nhiệm trước ban chấp hành là tập thể cùng mình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị do đại hội quyết định; lại phải tăng thêm lượt bầu cử bí thư và khi cần thay đổi bí thư lại phải triệu tập họp lại đại hội bất thường gây tốn kém, lãng phí.
Về lý luận và cũng là thực tiễn cho thấy rằng, chế độ dân chủ trực tiếp phải trên cơ sở trình độ dân trí và ý thức trách nhiệm của đảng viên, của nhân dân được nâng cao. Đặc biệt là không có tình trạng chia rẽ, cục bộ, bè phái theo kiểu “chi bộ họ ta”, “người họ tôi”, “người làng ta”, mà tình trạng này đối với một nước phong kiến cát cứ và ý thức nông dân lâu đời vẫn đeo đẳng cán bộ, đảng viên, nhân dân nước ta, còn lâu mới xoá bỏ được. Thực trạng kéo bè kéo cánh, cha truyền con nối đã và đang diễn ra khá phổ biến; không chỉ ở nông thôn, mà ngay cả trong các cơ quan và khu vực công nghiệp được coi là có ý thức công nhân mạnh hơn. Nếu cơ chế này cũng sẽ trở thành chế độ trong bầu cử người đứng đầu chính quyền các cấp, trước hết là cấp xã, thì sẽ còn khó tránh khỏi bị kẻ xấu và bọn thù địch lợi dụng để tiếm quyền, nếu như ở đó đa số nhân dân bị chúng khống chế, nhất thời phải theo chúng.
Trong thực tế, không nên lấy kết quả của làm thử để kết luận, đánh giá. Bởi những đơn vị, địa phương, ngành được chọn làm thử thường đã hội đủ điều kiện thuận lợi, được cấp trên dành sự chỉ đạo, giúp đỡ ưu tiên và cấp thực hiện cũng dồn sức làm thử, nên thông thường làm thử (trước đây gọi là thí điểm) đều thu được kết quả - thắng lợi là chủ yếu. Trong lịch sử lãnh đạo của Đảng ta đã có những cuộc “thí điểm” được đánh giá là rất hay, rất tốt, có tính phổ biến, nhưng khi áp dụng vào đại trà, thì phạm phải sai lầm và tổn thất nghiêm trọng. Nên nếu có thể nêu thành con số, thì mức độ kết quả và kinh nghiệm của bất cứ cuộc làm thử nào cũng không thể nhiều hơn 50%.
Phát biểu tại Hội thảo “Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng” do Tổng LĐLĐVN tổ chức vào ngày 9.10, tôi đã nhấn mạnh: Dự thảo Báo cáo chính trị, điểm nói về giai cấp công nhân đã khá đầy đủ vì văn kiện ĐH Đảng không thể diễn đạt chi tiết, cụ thể được. Quan trọng hơn là các quan điểm đó cần nhanh chóng được hiện thực hoá và cần kết hợp chặt chẽ xây dựng giai cấp công nhân với xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, xây dựng và phát huy thực quyền của công đoàn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 

http://www.laodong.com.vn
Tìm kiếm