BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thiếu đại biểu chuyên trách, khó cho hoạt động của HĐND

22/07/2009 10:14

 Rất nhiều khó khăn đặt ra cho HĐND thành phố khi không tổ chức HĐND huyện, quận. Khó khăn lớn nhất chúng tôi phải đối mặt hiện nay là thiếu đại biểu chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ giám sát, thẩm tra… Đó là tâm sự của PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TP HẢI PHÒNG NGUYỄN THỊ NGHĨA bên hành lang Kỳ họp thứ 16, HĐND Thành phố.

 

 PV: Đây là kỳ họp đầu tiên HĐND TP Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bổ sung khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, thưa Phó chủ tịch?

   PCT Nguyễn Thị Nghĩa: Thực hiện Nghị quyết của UBTVQH điều chỉnh nhiệm vụ của HĐND TP, Kỳ họp này ngoài những nội dung thường kỳ theo luật định, HĐND sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách của các quận, huyện. Những nhiệm vụ này trước đây do HĐND quận, huyện thực hiện. Tiếp đến, ngoài việc nghe báo cáo của UBND về hoạt động của UBND các quận, huyện, HĐND có thể sẽ chất vấn Chủ tịch UBND các quận, huyện về những vấn đề chưa giải quyết dứt điểm, như Việc bố trí tái định cư cho 24 hộ ở huyện Thủy Nguyên- dân đã nhận tiền bù, nhưng việc bố trí tái định cư chưa được thực hiện.
PV: PCT có thể cho biết, quá trình triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, HĐND thành phố có gặp vướng mắc gì không?
   PCT Nguyễn Thị Nghĩa: Trong quá trình hoạt động, ngoài vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì sự kéo dài nhiệm kỳ HĐND đến năm 2011 cũng là một bất cập. Chính sự kéo dài nhiệm kỳ làm ảnh hưởng đến hoạt động của HĐND TP. Bởi, số đại biểu nghỉ hưu tăng, tham gia hoạt động HĐND sẽ hạn chế. Thứ hai, khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì chức năng giám sát của HĐND TP nặng nề hơn. Những vấn đề thuộc phạm vi của quận, huyện, phường, nay đại biểu HĐND thành phố phải nắm được để có cơ sở đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành giải quyết. Thứ ba, số lượng đại biểu HĐND không tăng, trong khi có nhiều đại biểu nghỉ hưu, hơn nữa số đại biểu chuyên trách quá ít nên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là khi được tăng cường chức năng nhiệm vụ theo Nghị quyết của UBTVQH, HĐND thành phố gặp rất nhiều khó khăn.
   PV: Trước đây, khi HĐND 3 cấp cùng hoạt động, nhiệm vụ của HĐND thành phố đã rất nặng nề, nay phải gánh vác thêm nhiệm vụ của HĐND cấp huyện, quận, quá trình hoạt động sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?
    PCT Nguyễn Thị Nghĩa: Khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt, đó là thiếu đại biểu chuyên trách. Vì thiếu đại biểu chuyên trách nên việc bố trí đoàn đi khảo sát ở các địa phương, các đơn vị rất khó khăn. Đây là bất cập lớn nhất trong hoạt động của HĐND thành phố khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Thứ đến là khó khăn trong việc tổ chức các đoàn đi khảo sát để nắm tình hình phục vụ cho việc thẩm tra của các ban HĐND. Cụ thể, trước đây khi phê chuẩn quyết toán ngân sách của thành phố, chỉ cần làm việc với Sở Tài chính của thành phố là nắm được toàn bộ tình hình, nhưng hiện nay để giám sát được ngân sách cả quận, huyện phải làm việc với UBND và phòng Tài chính của các quận, huyện mới có thể có báo cáo thẩm tra đầy đủ, toàn diện để giúp cho HĐND xem xét, quyết toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách của thành phố và ngân sách của quận, huyện.
   PV: Vậy, để thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát tại kỳ họp này, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND thành phố đã chuẩn bị như thế nào?
   PCT Nguyễn Thị Nghĩa: Năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Thường trực và các Ban HĐND TP Hải Phòng là phải tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp tại cơ sở để giúp HĐND đánh giá chính xác việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố; giám sát việc thực hiện các biện pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ; việc thực hiện Chủ đề “đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và bảo đảm an sinh xã hội”. Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương và ý kiến cử tri, HĐND sẽ bổ khuyết cho nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Chúng tôi đặc biệt chú trọng cải tiến công tác TXCT. Ngoài TXCT nơi công tác, nơi bầu cử của đại biểu, HĐND còn lấy ý kiến của các vị nguyên là lãnh đạo thành phố đã nghỉ hưu, ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, Hội nông dân các cấp… đóng góp vào Báo cáo của UBND; phục vụ cho công tác thẩm tra của các ban và làm căn cứ cho HĐND thảo luận và quyết định những chủ trương, giải pháp tại kỳ họp này.
   PV: Có rất nhiều khó khăn đặt ra. Vậy, theo PCT, để HĐND thành phố thực hiện được quyền và nhiệm vụ mới cần những điều kiện gì?
   PCT Nguyễn Thị Nghĩa: Theo tôi, HĐND cấp tỉnh phải được tăng cường về bộ máy và con người. Để tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của Thường trực HĐND, Ủy viên Thường trực nên cơ cấu là Phó chủ tịch HĐND; các ban HĐND cần tăng thêm đại biểu chuyên trách; tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; tăng thêm cán bộ, chuyên viên giúp việc cho các ban và cho Trường trực HĐND; đồng thời, nên sớm sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phù hợp với thực tiễn
Theo: http://nguoidaibieu.com.vn

 

Tìm kiếm